Vì sao gọi là "chùa ve chai"?
Chùa Linh Phước nằm cách trung tâm trung tâm TP. Đà Lạt 8km theo quốc lộ 20. Ngôi chùa này có tên gọi khác là chùa “ve chai”. Bởi toàn bộ các chi tiết trong chùa được trang trí bề mặt bằng hàng triệu vỏ chai, chén bát vỡ, phế liệu…Chùa ngày càng thu hút khách du lịch, không chỉ là những Phật tử đến hành hương mà còn là những du khách hứng thú với công trình kiến trúc độc đáo.
Chùa được xây dựng từ năm 1949 và hoàn thành 3 năm sau khởi công. Thế nhưng, vào năm 1990, Thượng tọa chủ trì ngôi chùa đã quyết định đại trùng tu ngôi chùa với quy mô lớn hơn và kiến trúc độc đáo. Chùa Linh Phước nằm trên một không gian mở, đường dân sinh đi ngang qua và hoàn toàn không có cổng.
Vào năm 1994, chùa được người dân bắt đầu có tên gọi là "ve chai" vì lúc này, chùa được các nghệ nhân đắp nên hàng cột rồng khảm bằng hàng ngàn vỏ chai bia. Sau này, ngoài cột rồng thì toàn bộ vách, cột, trần được đắp khảm miểng sành sứ. Theo thời gian, chùa Linh Phước liên tục được xây dựng thêm các công trình mới bằng khảm miểng độc đáo như: Tháp bảy tầng, Long hoa viên, Chánh điện, tháp chuông... Sở hữu kiến trúc độc đáo nhất Đà Lạt nên chùa Linh Phước là một điểm đến đáng chú ý đối với du khách. Đến đây, người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy từ những mảnh sứ sắc màu của ngôi chùa. Bên cạnh đó còn là nơi tâm linh, tâm hồn người thư giãn trong chốn thiền cổ kính. Với các công trình độc đáo của mình, chùa Linh Phước còn được công nhận 11 kỷ lục Việt Nam, kỷ lục châu Á và Thế giới.
Tổng quan chùa Linh Phước. Ảnh: T.H.Đ |
Chuyện sư thầy đi nhặt ve chai xây chùa
Đại đức Thích Hạnh Định, Trị sự chùa Linh Phước cho biết, người làm nên ngôi "chùa ve chai" này là những nghệ nhân gạo cội đến từ cố đô Huế. Các công trình trong chùa hoàn toàn không có bản vẽ cố định xuyên suốt, các nghệ nhân triển khai trên ý tưởng, chủ đề do các sư thầy nói ra.
Và để có đủ miểng, ve chai, sành sứ cho công trình này, các sư thầy đã phải xin ve chai từ nhà máy bia rượu, chén bát và đi gom mua từ người dân sống ở đây. Chai nước ngọt, vỏ chai xì dầu, chai bia, chén bát vỡ... đều được tận dụng để xây chùa. Sau khi thu gom, các sư thầy phải xúc rửa từng món rồi cắt ra từng mảnh để khảm một cách tỉ mỉ và dày công. Các sư thầy không ước lượng được đã dùng bao nhiêu chai lọ để làm được ngôi chùa Linh Phước này: “Tổng diễn tích khảm lâu rồi không thống kê. Cách đây 10 năm, diện tích khảm miểng là 6.666,84m2. Cho đến nay, diện tích tăng rất nhiều, có thể gấp đôi” - Đại đức Thích Hạnh Định nói.
Ý tưởng làm chùa bằng ve chai không phải là ý tưởng mới mà trước đó, rất nhiều công trình đặc sắc ở Huế cũng mang lối kiến trúc này. Và chùa Linh Phước cũng được làm nên từ những nghệ nhân lành nghề đến từ Huế. Công trình đầu tiên bằng ve chai là cột rồng uốn lượn được làm nên từ những vị trưởng lão lành nghề nhất. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã không còn nữa.
Để làm nên cột rồng đó, đầu tiên các nghệ nhân phải tạo phần cốt bằng xi măng với các hoa văn và hình rồng. Sau đó, nghệ nhân chọn những mảng miểng đắp vào từng chi tiết với màu sắc khác nhau. Ví như thân rồng thì phải đắp bằng chai bia màu xanh. Vảy sẽ đắp bằng chén sứ màu hồng, trắng…Từ đó, các thầy cùng nghệ nhân sẽ gọt từng mảnh miểng để khớp với hoa văn đó.
Gắn bó với chùa Linh Phước từ nhỏ, Đại đức Thích Hạnh Định chia sẻ: “Thời thầy còn là một chú tiểu, thầy phụ các nghệ nhân ở những công đoạn thủ công nhất. Công việc của thầy là đi nhặt và cắt chai. Tất cả các chai muốn làm được phải cắt đầu cắt đuôi đi. Để có thể cắt chai bằng thủy tinh, các thầy đã nhóm bếp củi và nung nóng một cây sắt tròn rồi đặt chai vào lăn cho nóng, nhúng vào nước lạnh để cắt đi phần dư. Từ những thân chai đã cắt, các nghệ nhân mới dùng dao cắt kính để mài gọt nên từng mảnh miểng với hình thù khác nhau. Mọi công đoạn rất thủ công”.
Trước đây, ở gần chùa có một xưởng sản xuất chén bát, sư thầy Hạnh Định nhiều năm trời đã cùng các Phật tử đi mót chén bể mà xưởng bỏ đi. Sau này, thấy các thầy vất vả, xưởng tự gom chén bể lại và mang tới chùa bán. Người dân cũng gom những chai lọ, chén bát bể giúp chùa. “Mảnh chén rất bén, đụng đến là chảy máu. Chuyện đứt tay đứt chân là rất bình thường. Nhưng khi làm quen rồi không bị nữa. Sau một thời gian, các thầy trở nên điêu luyện với công việc đó” - Trị sự chùa Linh Phước kể lại.
Được làm nên từ những thứ bình dân nhất, thậm chí là những thứ lẽ ra bỏ đi, chùa Linh Phước không chỉ trở thành một điểm du lịch tâm linh độc đáo mà còn minh chứng cho trí óc và bàn tay khéo léo của con người. Chỉ cần biết trân trọng thì những thứ bị xem là bỏ đi cũng có thể góp sức để tạo nên một công trình đẹp.
Những kỷ lục được xác nhận tại chùa Linh Phước Tháp chuông cao nhất Việt Nam (36 m); Tượng Phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam; Tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam; Tượng Bồ tát Quán Thế Âm làm bằng 600.000 bông hoa bất tử; Tượng Khổng tước vương (chim công) bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam; Ngôi chùa tạo tác bằng khảm miểng nhiều nhất; Gốc cây gỗ trâm chứa bộ kinh pháp lớn nhất Việt Nam; Bộ phản bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam (dài 15 m); “Song tùng bách hạc”- tác phẩm nghệ thuật được xác lập kỷ lục Việt Nam. Bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp lớn nhất Việt Nam; Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam (chiều dài đường hầm địa ngục khoảng 300m). |