“30 Under 30” chia sẻ bạn thích mọi người gọi mình là “Cavegirl” - cô gái hang động - vì một phần vì mọi người công nhận và ủng hộ những gì mình làm.
Lê Nguyễn Thiên Hương là người sáng lập, điều phối "Hành động vì Sơn Đoòng" (#SaveSonDoong). Ảnh: Tiền Phong. |
- Bạn vừa được tạp chí Forbes Vietnam vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật của Việt Nam năm 2018, “30 Under 30”. Suy nghĩ cũng như cảm xúc của bạn khi nhận được thông tin này?
- Nhận được tin, mình xúc động vì nhiều lý do. Thứ nhất, mừng vì với danh hiệu này, thông điệp #SaveSonDoong sẽ được lan truyền đến nhiều người hơn nữa.
Thứ hai, mình bất ngờ vì một chiến dịch môi trường tự phát như #SaveSonDoong đã được tạp chí kinh tế lớn như Forbes công nhận.
Thứ ba, mình thương các đồng đội. Danh hiệu “30 Under 30” vinh danh cá nhân, nhưng #SaveSonDoong là một dự án nhóm. Chúng mình có 7 người nòng cốt đã làm việc với nhau 3 năm rưỡi nay.
Tính luôn cả các anh chị bạn bè cố vấn (về mặt khoa học, chiến lược, truyền thông, sự kiện) thì mấy chục người, và tính cả bà con cô bác ủng hộ trên fanpage là hơn 220,000 người.
Chiến dịch #SaveSonDoong không thể nào có được ngày hôm nay nếu thiếu vắng ai trong số họ. Mình cảm thấy nợ mọi người một cái ôm.
- Bạn có thể chia sẻ về công việc và vì sao lại chọn làm thủ lĩnh của #saveSonDoong? Điều gì thôi thúc bạn làm điều này?
- Thật sự, cả nhóm 7 người đều là thủ lĩnh cả, mỗi người là thủ lĩnh của một lĩnh vực (người làm nghiên cứu môi trường, người làm truyền thông, người gây quỹ, người nhân sự…). Chỉ có mình không có chuyên môn cụ thể gì cả.
Mình học thạc sĩ về phát triển bền vững và thạc sĩ về quản lý phi lợi nhuận, những ngành có kiến thức tổng quát chứ không phải chuyên ngành. Với lại, mình “to mồm”, nhiều năng lượng, nên nhóm cử làm “tiếng nói của Sơn Đoòng".
- Bên cạnh công việc toàn thời gian tại Đại học Fulbright (FUV), bạn dành thời gian cho đam mê và những nỗ lực không ngừng trong chiến dịch bảo vệ môi trường, chiến dịch mà Hương đồng sáng lập năm 2014 sau khi cùng chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert thám hiểm Sơn Đoòng. Cơ duyên nào đưa bạn đến với công việc này?
- Duyên đi Sơn Đoòng đến từ ước mơ hồi bé của mình. Cấp một, mình thích nhất cuốn “Thế giới dưới lòng đất của Nobita” trong series truyện Doraemon.
Cấp hai, mình thích nhất cuốn “Cuộc du hành vào trung tâm Trái đất” trong những truyện mạo hiểm của Jules Verne.
Rồi đến cấp ba, mình được chọn đại diện đoàn Việt Nam đi khóa học về môi trường hoang dã ở Nam Phi do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF tài trợ.
Vào rừng sống mà cảm giác như về nhà. Đi chuyến ấy xong, mình biết rõ thuộc về những nơi hoang dã như vậy. Nên khi biết tin Sơn Đoòng được tìm ra, mình đã quyết tâm để dành tiền và tập thể lực từ trước khi tour trekking Sơn Đoòng được mở.
- Đồng nghiệp gọi bạn thân mật là “Cavegirl" - cô gái hang động?
- Mình rất thích (cười). Lý do mình yêu nơi mình làm việc (Đại học Fulbright) một phần cũng là vì mọi người công nhận và ủng hộ những gì mình làm bên ngoài (#SaveSonDoong).
Bạn bè mình hồi trước ở trường thạc sĩ bên Mỹ cũng gọi như vậy. Tên mình là “Hương”, hơi khó đọc cho người nước ngoài; “Cavegirl” thì dễ hơn rất nhiều.
Thật sự, từ ngày làm #SaveSonDoong, đối với mình, gần như không còn gì quan trọng hơn Sơn Đoòng. Mình chết đi, người ta có thể quên mình là ai. Nhưng Sơn Đoòng thì nhất định vẫn phải còn ở đó. #SaveSonDoong là sứ mệnh của đời mình. Thành ra, người ta có thể không nhớ tên mình, nhưng miễn là người ta nhớ đến #SaveSonDoong là vui lắm rồi.
Mình làm công việc liên quan “của để dành”, làm bây giờ để cho thế hệ mai sau hưởng.
Thiên Hương với team Sơn Đòong. Ảnh: Tiền Phong. |
- Được biết, góc làm việc của bạn ở FUV rất thú vị vì có một “hang động mini" ngay dưới bàn làm việc?
- Mình thích cảm giác tĩnh tâm, như thế mới tập trung làm việc được. Mà văn phòng mình thì đông, nên “xây” một cái hang nho nhỏ ngay dưới bàn làm việc để chui vào đó tập trung.
Các đồng nghiệp rất tôn trọng cái chốn riêng tư đó. Khi cần mình, các anh chị sẽ gõ lên bàn gọi mình chui ra. Hoặc, họ cũng sẽ chui xuống gầm bàn của họ để đi qua “hang” của mình.
- Bạn từng làm giáo viên dạy Toán, nhân viên thiết kế đồ họa, giáo viên dạy piano và đặc biệt nấu ăn rất ngon. Giờ làm tại FUV và nỗ lực không ngừng trong chiến dịch bảo vệ môi trường, công việc nào bạn thích làm nhất ở thời điểm hiện tại?
- Thật ra, bây giờ, mình chỉ tập trung 2 công việc chính là FUV và #SaveSonDoong. Ngoài ra, hồi trước, mình dạy tiếng Anh tại một chương trình giáo dục cho người khiếm thính tên là Hear.Us.Now. Hiện tại, mình vẫn giữ vị trí cố vấn cho chương trình đó.
Công việc nghe có vẻ nhiều, nhưng thật ra nó rất gần với nhau. Làm môi trường là trồng cây, còn làm giáo dục là trồng người. Suy cho cùng, đây đều là công việc liên quan “của để dành”, mình làm bây giờ để cho thế hệ mai sau hưởng.
- Từng học tập ở Mỹ, bạn thấy thế hệ trẻ Việt Nam và Mỹ có điểm gì khác? Khái niệm công dân toàn cầu với bạn được hiểu thế nào và làm sao để thanh niên Việt Nam có thể thành công dân toàn cầu?
- Thế hệ trẻ Mỹ từ sau thời Chiến tranh thế giới thứ hai (thế hệ Baby Boom) đã bắt đầu có những sự “nổi loạn” tìm tiếng nói cho riêng mình và đấu tranh cho những điều mình tin là đúng.
Sau thế hệ Baby Boom, Mỹ có đến thế hệ Generation X, các phong trào đấu tranh vì chính nghĩa của họ càng mạnh và có quy củ. Hiện nay, thế hệ Millennials đã bắt đầu. Việt Nam mình thì chiến tranh kết thúc sau đó vài thập niên, nên theo thiển ý của mình, có thể so sánh thế hệ cuối 7X đầu 8X, với Baby Boomers, và thế hệ cuối 8X đều 9X với Gen X.
Ở thế hệ 1987 như mình, đa số bước vào tuổi 30 với sự tập trung cơm, áo, gạo, tiền. Mình rất mừng vì thế hệ sau đã vượt qua được những trói buộc của xã hội, bắt đầu biết đấu tranh cho những điều đúng đắn.
Nếu như ở thế hệ 8X, những người như mình hay bị làng xóm gọi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng Tổng”, thì ở thế hệ sau này, các em ấy đã được gọi là thủ lĩnh trẻ (young leaders).
Vẫn còn rất lâu, chúng ta mới có thể quy củ hóa những chiến dịch cộng đồng. Nhưng chỉ riêng việc đã nhen nhóm hình thành những nhóm như #SaveSonDoong của tụi mình, hay #SaveSonTra ở Đà Nẵng, #6700 người vì 6.700 cây ở Hà Nội, #Nói không với túi nylon, Bảo vệ động vật hoang dã… đã là dấu hiệu rất đáng mừng rồi.
- Khi 18 tuổi, bạn mơ ước làm điều gì và có giống thời điểm này không?
- Khi 18 tuổi, mình vẫn còn hoang mang lắm, chưa biết rõ sẽ làm gì. Nhưng mình biết muốn được “đi thật nhiều nơi, thấy thật nhiều thứ, gặp thật nhiều người, học thật nhiều điều.”
Mình cảm thấy rất may mắn vì hiện nay công việc chính thức ở Fulbright, chiến dịch riêng của nhóm ở Sơn Đoòng, cũng như dự án Hear.Us.Now đang cố vấn đã cho mình cơ hội được làm những điều mơ ước hồi 18 tuổi.
- Mỗi ngày của bạn diễn ra như thế nào và thời gian dành cho Sơn Đoòng ra sao?
- 9h sáng đến 18h, mình làm toàn thời gian cho Đại học Fulbright. Tối về, ăn uống xong, mình dồn sức cho Sơn Đoòng đến gần nửa đêm. Cuối tuần, có khi làm sự kiện cho Fulbright, có tuần làm sự kiện cho Sơn Đoòng; nếu không thì cũng họp nhóm.
Những khi còn thời gian, mình ghé Hear.Us.Now (sắp tới mình học lớp Ngôn ngữ ký hiệu ở đây nữa, nên sẽ ghé đều đặn mỗi tuần). Mình thấy có lỗi nhất với gia đình nên thường tranh thủ ăn sáng với mẹ (cơ quan mẹ làm gần căn hộ mình ở). Những khi rảnh mình về ăn cơm với bố mẹ buổi chiều.
Thủ lĩnh của #SaveSonDoong . Ảnh: Tiền Phong. |
- Làm thủ lĩnh của #SaveSonDoong, bạn có thấy khó khăn và đã bao giờ cảm thấy bất lực không?
- Bất lực thì cũng nhiều lúc lắm chứ. Nhiều khi thấy mình thật tầm thường, muốn làm thật nhiều mà tiền không có, sức không xuể. Nhưng động lực lớn nhất của mình là team 7 người, lúc đầu là đồng đội, giờ đã thành gia đình.
Mình nghĩ bản thân còn có quyền lựa chọn làm hay không làm #SaveSonDoong. Chứ còn cái hang, nó không có tội tình gì. Nó cũng chỉ ở đó như vốn dĩ cả triệu năm nay. Nó không có quyền quyết định ai đến với nó, trăm người yêu thương hay vạn kẻ tò mò.
Nếu mình dừng những gì đang làm, Sơn Đoòng sẽ ra sao? Chính câu hỏi đó đã làm động lực cho mình đi với chiến dịch suốt cả 3 năm rưỡi nay.
- Bạn từng gặp Tổng thống Obama, ông có để lại ấn tượng cho bạn? Ai là người ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất?
- Cảm nhận của mình về ông Obama là người rất ấm áp. Sơn Đoòng là một trong hàng trăm nghìn thứ ông được báo cáo trước khi đến nước mình. Khi mình hỏi, ông ấy đã trả lời chính xác trọng tâm của vấn đề: “Nếu được đi Sơn Đoòng, tôi sẽ chọn đi bộ chứ không đi cáp treo”. Câu trả lời ấy nếu không phải xuất phát từ trái tim yêu thiên nhiên thì còn từ gì nữa?
Người ảnh hưởng nhiều nhất đến mình là em trai, Lê Đình Hiếu. Bạn ấy cũng là "Forbes 30 Under 30" trước mình. Sứ mệnh của Hiếu là làm sao mang đến bình đẳng giáo dục cho nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn nữa.
Hiếu cũng là người sáng lập chương trình dạy tiếng Anh cho cộng đồng khiếm thính Hear.Us.Now, bên cạnh rất nhiều dự án khác mà bạn ấy góp tay xây dựng (Học viện G.A.P, Talent Gene, Young Makers Challenge...
Chàng trai 24 tuổi lan toả 'tình yêu kiến thức' | |
13 doanh nhân trẻ góp mặt trong danh sách "under 30" năm 2018 |