Hiện nay, lương giáo viên ở nhiều nơi còn thấp và không đủ để các thầy cô trang trải cuộc sống gia đình. Trong bối cảnh đó, rất nhiều thầy cô giáo đã chuyển nghề hoặc vẫn bám trụ với nghề nhưng lại phải làm thêm với rất nhiều công việc "tay ngang" để cải thiện thu nhập cho mình và gia đình. Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh (giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại Trường THPT Số 1 Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) cũng là một trong số những con người năng động như vậy.
Những bộ trang phục mà cô giáo kiêm thợ may làm ra để phục vụ cho chồng, con. Ảnh: NVCC. |
Là một cô giáo thuộc thế hệ 8X, cô giáo Hồng Hạnh đã tâm sự với chúng tôi về những nghề "tay ngang" của mình một cách thẳng thắn:
"Là giáo viên đứng lớp đã 15 năm và đang nhận mức lương kể cả phụ cấp chuyên môn 7,2 triệu đồng/tháng, tôi vẫn đang duy trì công việc bán hàng online và làm thợ may vá quần áo của mình hơn ba năm nay. Mức thu nhập từ các công việc này đem lại cũng lớn hơn nhiều so với lương giáo viên. Trong thời buổi 'bão giá' như hiện nay, mình phải tìm kiếm mọi cơ hội để tăng thu nhập miễn sao không phạm pháp hay vi phạm đạo đức nhà giáo là được.
Ban đầu, tôi chỉ tự học may ở trên mạng để may đồ cho chồng con. Sau đó nhận may thêm cho bạn bè, người thân để gọi là lấy 'tiền công' may thêm đó để tiếp tục mua đồ về lại may quần áo cho gia đình mình. Ngoài ra, tôi cũng bán hàng trên mạng các sản phẩm như thịt trâu sấy, lạp sườn, tinh bột nghệ, măng, mật ong và các loại hoa quả đặc sản theo mùa mà quê hương mình".
Khi được hỏi về việc liệu rằng, với một người vợ "đa di năng" như vậy thì chồng của cô giáo này có đỡ vất vả hơn hay không, cô giáo 8X vui vẻ nói, dù mình làm thêm nghề tay trái thì bản thân ông xã cũng vẫn là người quán xuyến các việc trong gia đình thay mình.
"Góc may vá' đầy yêu thương của cô giáo 8X Hoàng Thị Hồng Hạnh. Ảnh: NVCC. |
"Ông xã tôi công tác trong ngành điện lực, nhà cũng gần với khu ký túc xá của trường. Trường chúng tôi có 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em ở cách xa trường tới gần 20 km nên phải ở trọ ở ký túc xá. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi thường phải phối hợp cùng giáo viên quản lí ở ký túc xá buổi sáng gọi học sinh dậy đánh răng, rửa mặt để chuẩn bị đi học. Buổi tối thì thay nhau quản lí và bảo ban các em học bài từ 19h30 - 21h30, nhưng ai cũng cố gắng làm vì đó là công việc, là trách nhiệm!
Một điều may mắn nữa là ông xã của tôi cũng rất ủng hộ và hỗ trợ tôi rất nhiều việc đưa đón con đi học. Hôm nào vội việc thì các cháu được bà ngoại đưa đi hoặc tự đến trường. Công việc và trách nhiệm của một giáo viên mình vẫn phải hoàn thành tốt thôi", cô giáo Hồng Hạnh chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, cô Hạnh cũng cho biết, mình sinh hoạt trong một nhóm mang tên "Nhà may vá webtretho" trên mạng xã hội từ 2011. Đây là một nhóm phụ nữ công sở yêu thích may vá lập ra để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cuộc sống.
Hàng năm đều có chương trình may áo ấm, khăn ấm tặng trẻ em nghèo vùng cao. Nhóm có đóng góp quỹ để hỗ trợ các trường hợp thành viên khó khăn hoặc học sinh nghèo vượt khó. Có hai học sinh của cô Hạnh ở khoá 2012 - 2015 đã nhận học bổng hàng tháng suốt 3 năm, mỗi tháng 500.000 đồng/em.
Sản phẩm túi vải "handmade" của cô giáo Hồng Hạnh. Ảnh: NVCC. |
Tiếp tục câu chuyện về những nghề "tay trái" của mình, cô Hồng Hạnh vẫn không thể quên được những kỷ niệm đáng nhớ của mình khi được "đóng vai" lái buôn và "quảng cáo" thịt lợn cho học sinh.
Cô Hạnh kể: Có những học sinh nhà nuôi lợn nhưng không bán được và lại nhờ cô giáo "quảng cáo" giúp lên trên mạng xã hội rằng nhà em có con lợn bản sạch thế này để tìm người mua thịt lợn cho nhà em học sinh đó. Có những phụ huynh vừa là nguồn cung hàng, vừa là khách hàng của mình.
"Nhiều phụ huynh cũng thông qua hình thức 'hợp tác' này mà có thêm thu nhập để có tiền đóng học cho con em mình. Theo thống kê, trường chúng tôi có khoảng 20% học sinh là con em gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Có em học sinh nhà cách trường tới 40 km nên các em phải đăng ký ở ký túc xá của trường".
Lương hơn 6 triệu, thầy giáo vẫn phải làm MC đám cưới, bán bảo hiểm Trong khi nhiều thầy cô "than" lương thấp, một thầy giáo ở Nghệ An lương hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng vẫn phải đi làm MC ... |