Cô giáo lại bàn chuyện thưởng Tết giáo viên

Tôi có mấy đứa cháu đều làm ngành Giáo dục. Dường như bao vui buồn các cháu đều về tâm sự cùng tôi. Gần Tết, đề tài quan tâm nhất của các cháu là thưởng Tết dành cho giáo viên...

co giao lai ban chuyen thuong tet giao vien

Có lẽ, Tết về ai chẳng mong có thưởng để hạnh phúc được đong đầy, trọn vẹn. Các cháu tôi đứa thì hồ hởi vui mừng thông báo năm nay trường chi tiêu tiết kiệm nên chia cho giáo viên cũng khá. Đứa thì mặt buồn xo vì trường khoản tiền tiết kiệm của trường không còn bao nhiêu, cuối cùng Hiệu trưởng chỉ thông báo thầy cô thông cảm và nhận vài trăm ngàn đón Tết.

Thực ra từ xưa đến nay, ngành Giáo dục có bao giờ thưởng Tết. Năm nào Tết về, Công đoàn cũng mua một phần quà nho nhỏ tặng các thầy cô (thực ra tiền này là của mình). Thế nhưng mấy năm gần đây các trường tự chủ về tài chính nên chi tiêu khéo thì dư ra cuối năm chia cho giáo viên. Vì vậy mà cứ gọi chung là thưởng Tết giáo viên.

Nhà giáo vốn lương bổng không cao nên luôn lo lắng khi Tết về. Nhiều thầy cô mức sống còn thấp so với mặt bằng chung, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường. Các cháu tôi bảo đầu tháng lãnh lương, chưa đến cuối tháng đã hết tiền. Nhiều lúc phải gọi điện về xin viện trợ từ ba mẹ. Điều này làm các cháu rất buồn.

Thực ra nếu chỉ chi tiêu cho ăn uống thì vẫn đủ. Khổ nỗi giáo viên trẻ thường bạn bè nhiều. Hàng tháng phải đi đám tiệc thường xuyên nên rất sợ. Nào là đám hiếu hỉ, đầy tháng, tân gia... Cuối năm mùa cưới nhiều nên các cháu luôn trong tình trạng "viêm màng túi".

Tết về, các cháu cũng muốn báo hiếu ba mẹ chút ít. Khổ nỗi tiền thưởng không có nên chẳng biết làm sao. Rồi các cháu lại so sánh ngành mình với ngành này, nghề kia. Tôi nghe mà nhức hết cả đầu.

Sau khi nghe các cháu trút bầu tâm sự, tôi mới chậm rãi khuyên nhủ các cháu đôi điều. Rằng khi mình đã chọn nghề giáo thì hãy luôn vui vì được xã hội tôn vinh mình bằng thầy. Còn tiền thưởng thì cũng đừng nên quá bận tâm. Nghề giáo nghèo nhưng chất chứa niềm vui. Những ánh mắt say sưa nghe thầy cô giảng bài. Một tiếng chào thầy cô lễ phép cũng đủ làm ta rưng rưng cảm động. Đừng bao giờ so sánh nghề giáo với bất kì nghề nào trong cuộc sống, bởi mọi sự so sánh đều là sự khập khiễng.

Sau khi nói cho các cháu hiểu được niềm vui của nghề giáo, tôi lấy ví dụ để các cháu nhận ra niềm hạnh phúc của mình. Rằng ngoài kia bao người trong xã hội học xong mà đâu có xin được việc. Nhiều bạn trẻ khao khát được cống hiến sức mình cho ngành Giáo dục mà còn không được. Hãy nhìn thực tế ấy để các cháu thấy mình là người hạnh phúc vô cùng.

Có lẽ, khi bước chân vào ngành Sư phạm thì đừng mong kiếm được nhiều tiền. Từ xưa đến nay nghề giáo luôn là nghề thanh cao trong sáng. Bao tấm gương thầy cô được học trò kính yêu, vị nể. Mỗi chúng ta hãy luôn nhìn nhận theo hướng tích cực để thấy cuộc đời tươi trẻ. Hãy nhìn xem trên khắp đất nước có nhiều thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa luôn phải vượt qua khó khăn để thi đua dạy tốt. Cuộc sống của họ còn vô cùng vất vả, vậy mà họ vẫn nhường những đồng lương ít ỏi cho những học trò thân yêu.

Sau khi nghe tôi chia sẻ, các cháu đã bắt đầu vui vẻ trở lại. Tôi nhấn mạnh để các cháu hiểu ý nghĩa câu nói “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Mong rằng các cháu sẽ cố gắng hết mình vì sự nghiệp “trồng người” mà mình đã chọn.

Loát Trần

(Châu Thành, Tây Ninh)

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.