Cổ phiếu Tổng Công ty 36 (G36) lao dốc, cổ đông lớn bán gần 4 triệu cổ phần

Công ty Trường Lộc, cổ đông lớn có liên quan đến lãnh đạo Tổng Công ty 36 đã bán gần 4 triệu cổ phiếu sau khi thị giá G36 liên tục giảm thời gian gần đây. Số cổ phiếu mà doanh nghiệp này bán đạt 88% số lượng đã đăng ký giao dịch trước đó.

CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc mới đây đã có báo cáo về việc bán gần 4 triệu cổ phiếu G36 của Tổng Công ty 36 - CTCP trong giai đoạn từ ngày 10/5 - 8/6.

Theo Trường Lộc, do giá thị trường chưa phù hợp, doanh nghiệp đã không bán hết 4,5 triệu cổ phiếu như đã đăng ký ban đầu. 

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Trường Lộc tại Tổng Công ty 36 đã giảm từ 19,89% còn 15,98%. Tạm tính theo giá kết phiên ngày 8/6, ước tính Trường Lộc đã thu được khoảng 48 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này. 

Bên cạnh việc là cổ đông lớn, Trường Lộc cũng là một doanh nghiệp có liên quan đến ban lãnh đạo tại Tổng Công ty 36. Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Trường Lộc đang đồng thời giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị tại Tổng Công ty 36%. Ông Hiền hiện không nắm cổ phiếu G36 nào. 

Liên quan đến diễn biến giá cổ phiếu G36, từ đầu tháng 6 đến nay, thị giá cổ phiếu G36 đã “bốc hơi” hơn 20% so với giá chốt phiên ngày 31/5. Hai ngày 8 và 9/6 là hai ngày giao dịch duy nhất giá cổ phiếu G36 ghi nhận tăng trưởng trong chuỗi ngày “đỏ lửa” giai đoạn này. 

 Diễn biến thị giá G36 trong vòng một tháng gần đây. (Nguồn: Tradingview).

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục giảm này, ngày 3/6, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 36 - CTCP, ông Nguyễn Đăng Giáp cùng em trai là ông Nguyễn Đăng Hiếu đã đăng ký mua tổng cộng hơn 10,5 triệu cổ phiếu G36, tăng sở hữu tại doanh nghiệp. 

Về tình hình kinh doanh của Tổng công ty 36, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo công ty cho biết kế hoạch năm nay là sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn cho dự án BOT Quốc lộ 19 và BOT Quốc lộ 6, tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm năng để chuyển nhượng hai dự án nhằm giảm gánh nặng tài chính.

Đánh giá về năm 2022, công ty xác định đây sẽ là một năm khó khăn, bởi nhiều đơn vị không còn công trình chuyển tiếp, thậm chí đã hết việc làm từ năm trước do dịch Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trong quý I/2022, công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bất động sản dẫn đến doanh thu thuần giảm 63% so với cùng kỳ, đạt 69 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế gần 8,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 13,3 tỷ đồng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.