Cơ quan kiểm soát môi trường lên tiếng việc phát tán tôm hùm đất

Tổng cục Môi trường cho biết, tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất) được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ xâm hại; tác động đối với nông nghiệp và thủy sản đã được ghi nhận từ nhiều nơi trên thế giới. Việc nhập khẩu, phát tán loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chưa được cấp phép là trái với quy định của pháp luật.

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) vừa cho biết, tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii), thường được gọi là tôm hùm đất là loài rất dễ thích nghi, có sức chịu đựng và phong phú, có thể sống trong nhiều môi trường thuỷ sinh. Nó có nguồn gốc từ Mexico và Hoa Kỳ và hiện đã thiết lập trên khắp thế giới do kết quả của việc du nhập làm thực phẩm.

Các quần thể xâm lấn của loài đã được báo cáo xuất hiện ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Tôm hùm đất cạnh tranh quyết liệt với tôm bản địa, truyền các bệnh dịch, giảm quần thể thực vật thủy sinh cỡ lớn, thay đổi chất lượng nước, ăn thịt và cạnh tranh với một loạt các loài thủy sản, gây các tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp, đánh bắt cá.

Cơ quan kiểm soát môi trường lên tiếng việc phát tán tôm hùm đất - Ảnh 1.

Tôm hùm nước ngọt, thường được gọi là tôm hùm đất.

“Hiện nay, tôm hùm nước ngọt được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ xâm hại theo Thông tư số 35/2018/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”- Tổng cục Môi trường cho hay.

Tổng cục Môi trường khẳng định, tôm hùm nước ngọt xâm lấn thành công có thể nhanh chóng thiết lập quần thể và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái.

Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa.

Tổng cục Môi trường dẫn chứng: Hoạt động ăn thực vật dữ dội của tôm hùm nước ngọt thường gây giảm sinh khối và đa dạng sinh học của thực vật thủy sinh cỡ lớn được ghi nhận tại hồ Chozas, Tây Ban Nha; Hồ Naivasha, Kenya; Hồ Massaciuccoli, Italya; Hồ Doccia, Italya; vùng đất ngập nước vùng Địa Trung Hải và bán đảo Iberia.

Ảnh hưởng khác của hoạt động kiếm ăn và hành vi đào hang của tôm hùm đất làm thay đổi chất lượng nước, tăng sự xáo trộn sinh học, và gia tăng giải phóng chất dinh dưỡng từ trầm tích.

Tác động đối với nông nghiệp và thủy sản đã được ghi nhận từ nhiều nơi trên thế giới. Các hành vi đào hang của tôm hùm đất thường gây tác động đê điều và các hệ thống tưới tiêu có thể dẫn đến mất nước và thiệt hại cho các cánh đồng.

Các ghi nhận này đã được phát hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Kenya, Italya, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Tôm hùm đất thường xuyên trở thành một loài ưu thế trong môi trường sống như ruộng lúa. Nếu có mặt trong công trình thủy lợi bao gồm hồ chứa, kênh dẫn nước của ruộng lúa, tôm hùm đất có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể do hoạt động đào hang làm thay đổi thủy văn, đất và gây rò rỉ nước, và gây thiệt hại cho cây lúa.

Cơ quan kiểm soát môi trường lên tiếng việc phát tán tôm hùm đất - Ảnh 2.

Tôm hùm đất liên tục được nhập khẩu về TPHCM trong thời gian qua (Ảnh: Đại Việt).

Các chế tài của Việt Nam liên quan đến loài tôm hùm nước ngọt

Theo Tổng cục Môi trường, Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định “việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”

Việc nhập khẩu, phát tán loài ngoài lai có nguy cơ xâm hại chưa được cấp phép là trái với quy định của pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 246, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm:

a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên;

c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500 triệu đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 42/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có quy định: Phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm, làm cảnh và giải trí chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.