Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu lại 'lỡ hẹn'

Được kỳ vọng là một bệnh viện ung bướu hiện đại, giải áp lực quá tải cho Bệnh viện Ung bướu TP HCM hiện hữu, nhưng đến nay, Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu nhiều lần trễ hẹn, hiện vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Cơ sở 2 Bệnh viện (BV) Ung bướu TP HCM (gọi tắt là Cơ sở 2) tại P.Tân Phú, Q.9, TP HCM được chủ đầu tư và nhà thầu hứa hẹn lần gần nhất với HĐND TP HCM (tại cuộc giám sát ngày 13/3) là đến ngày 30/4 vừa qua hoàn thành khu phòng khám, bước đầu đưa vào khám bệnh. Đến 30/6 hoàn thành khu nội trú và hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 30/9/2019. Tuy nhiên, hiện còn dở dang nhiều thứ!

Còn chờ quá nhiều thứ

Đại diện chủ đầu tư dự án Cơ sở 2 là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM (trước đây là ban quản lý xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP HCM) cho biết giữa thời gian hứa và thời gian làm có độ chênh lệch. Hiện ban quản lý đang họp với nhà thầu giải quyết một số vướng mắc về kỹ thuật, thanh toán, giải ngân cho nhà thầu. 

Dự định 30/6 đưa phòng khám Cơ sở 2 vào hoạt động, nhưng hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan liên quan trong cấp phép. Hiện chủ đầu tư đang xin phép PCCC, giấy phép phòng khám, nghiệm thu một phần từ Bộ Xây dựng, giấy phép xả thải, an toàn bức xạ… để đưa phòng khám vào hoạt động.

Sẽ chất vấn trong kỳ họp HĐND TP HCM sắp tới

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP HCM, cho hay trong khi người bệnh ung thư tăng cao, BV Ung bướu TP quá tải thì việc chậm trễ Cơ sở 2 của BV này ở Q.9 thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở Y tế và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.

HĐND TP sẽ đưa vấn đề chậm trễ của Cơ sở 2 BV Ung bướu vào phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP sắp tới, trong đó làm rõ trách nhiệm của UBND TP thiếu quyết liệt trong đôn đốc, để xảy ra sự chậm trễ này.

T.Hiếu


Còn ông Võ Văn Bé, Giám đốc Công ty Thuận Việt (nhà thầu), cho biết phần xây dựng của phía công ty đã xong, nhưng phần thiết bị thì phải chờ vì chưa được duyệt, chưa đấu thầu xong, phòng mổ chưa có, do vậy không biết đến… tháng 12.2019 máy móc có về để lắp đặt kịp hay không? Hiện giờ công ty phải ngồi “ôm” giữ tòa nhà.

“Lãnh đạo BV Ung bướu TP HCM cũng qua Cơ sở 2 triển khai chỗ khu nhận bệnh, có thể đi theo hướng trong khi chờ máy móc về thì nhận và khám bệnh trước để chia sẻ quá tải ở cơ sở chính. Còn để đồng bộ điều trị, có cả thiết bị thì chưa biết đến bao giờ. Hiện tại nội thất phòng mổ, máy xạ trị, máy chẩn đoán hình ảnh… chưa chọn, chưa đấu thầu được”, ông Bé nói.

Ông Bé cho rằng, nguyên nhân chính Cơ sở 2 chậm là do thiết kế với thực tế khác biệt quá nhiều. Khó khăn là do thiết kế ban đầu so với thi công có những cái không lường được; thiết bị thay đổi nhanh, phải cập nhật thiết bị mới nhất, đổi một số công năng… nên chủ đầu tư không đi phê duyệt kịp phần thay đổi thiết kế và nhà thầu làm xong kẹt phần thanh toán. Phần phát sinh này hiện lên đến hơn 330 tỉ đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một cán bộ thuộc chủ đầu tư cho biết, hiện nay phần xây dựng cơ bản đã xong. Riêng với phần thiết bị y tế có 27 gói với 7.100 cái, trị giá 2.100 tỉ đồng nhưng đã đấu thầu được 8 gói trang thiết bị cho phòng khám xong, thiết bị đã có. Còn lại 19 gói thiết bị phục vụ nội trú, phòng mổ, xạ trị… trị giá 1.300 tỉ đồng vừa được UBND TP.HCM phê duyệt dự toán, cấu hình và chuẩn bị mời thầu.

“Nếu đấu thầu suôn sẻ, hàng hóa về kịp thì xúc tiến đến cuối năm nay sẽ xong BV”, vị này nói và cho biết từ khi dự án bắt đầu xây dựng thì chủ đầu tư đã lập hồ sơ thiết bị, trình bộ ngành liên quan thẩm định, phê duyệt và trình duyệt dự toán, cấu hình thiết bị. Riêng phần trình hồ sơ để được duyệt 19 gói thiết bị mất hết một năm. 

Do quy trình thủ tục, sự thay đổi về nhân sự của các sở ngành có liên quan của TP HCM. Mặt khác, đây là dự án nhóm A, cấp 1 được Chính phủ đầu tư, nhưng nhân sự làm dự án đều mới, chưa có kinh nghiệm.

Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu lại 'lỡ hẹn' - Ảnh 2.

Phòng khám Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu đang được đẩy nhanh tiến độ (Ảnh: CTV)

Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM vào tháng 3/2019, các đại biểu đều chất vấn ai là người đã đặt ra mốc cho dự án phải hoàn thiện trong vòng 18 tháng? Ai là người tư vấn? Và mấu chốt của dự án là trang thiết bị y tế vì sao chậm trễ, cấu hình có lỗi thời, có đáp ứng kỳ vọng đặt ra?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Diễm Tuyết, dự án Cơ sở 2 được nhân dân mong mỏi từng ngày, hoàn thành đi vào hoạt động sớm chừng nào thì bệnh nhân ung thư có cơ hội điều trị sớm chừng đó. “Chúng ta đang đi vào vết xe cũ, cứ xây dựng là phải chờ trang thiết bị. Phải có tháo gỡ chuyện này. Thủ tục hành chính quá nhiều”, bà Tuyết nói.

Nói về trách nhiệm làm chậm dự án, vị cán bộ thuộc chủ đầu tư thừa nhận trách nhiệm chính là của chủ đầu tư, nhưng theo ông, nhà thầu, đơn vị thiết kế, giám sát… cũng có trách nhiệm liên đới. Bởi, nếu ngày xưa thiết kế chuẩn, không sai sót danh mục đến dự toán thì sẽ không kéo dài thời gian thanh toán và thời gian lập thủ tục gây khó khăn cho nhà thầu về kinh phí, nên cũng làm chậm tiến độ.

Về phạt chậm tiến độ xây dựng dự án, vị này cho biết theo hợp đồng thì sẽ phạt 12% trên tổng số khối lượng phát sinh đối với nhà thầu. Tuy nhiên, hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ dự án, vì thế chưa tính đến vấn đề này.

Bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc

Trong khi đó, Sở Y tế TP HCM vừa có một cuộc họp để chuẩn bị đưa Cơ sở 2 vào hoạt động. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, chỉ đạo thành lập tổ chuyên trách và cử một phó giám đốc BV Ung bướu TP làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị.

Ông Thượng chỉ đạo BV phải xác định danh mục và thời gian các giấy phép (hoặc xác nhận) buộc phải có. Về chẩn đoán hình ảnh, phải đưa các phòng cơ bản như X-quang, siêu âm vào hoạt động trước để đáp ứng khi phòng khám vận hành. Và các phòng này phải được kết nối mạng với BV Ung bướu TP. Xây dựng cơ chế, phương thức trong việc vận chuyển bệnh nhân giữa BV chính và Cơ sở 2 và ngược lại... Tuy nhiên, Sở Y tế vẫn chưa gút được khi nào phòng khám Cơ sở 2 hoạt động.

Lãnh đạo BV Ung bướu TP cho biết về phần nhân lực đã sẵn sàng. BV sẽ điều những cán bộ nhân viên Khoa khám bệnh khoảng 200 người xuống Cơ sở 2. Như vậy, mỗi ngày có khoảng 2.500 bệnh nhân của BV Ung bướu TP tái khám tại Cơ sở 2. Trong thời gian này, BV vẫn duy trì phòng khám ở BV chính, nhằm giải quyết cho bệnh nhân mới và bệnh nhân đi lại khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay có một số y, bác sĩ được bố trí làm việc ở Cơ sở 2 nghỉ việc, trong tháng qua đã có 6 - 7 bác sĩ xin nghỉ, số lượng điều dưỡng nghỉ còn nhiều hơn mà lý do chính được họ đưa ra là “do việc gia đình”. Nhưng, theo một lãnh đạo BV Ung bướu TP, một số cán bộ ở xa như ở H.Củ Chi đang làm tại BV chính, giờ phải đi xa thêm gần 20 km ra Q.9 nên “tâm tư”.

TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP, cho biết thêm các bác sĩ nghỉ việc rải rác ở các khoa (của BV chính). Tuy nhiên, BV cũng đã có sự chuẩn bị, vừa đào tạo vừa tuyển thêm bác sĩ, nên nhân lực cũng sẽ không thiếu. Khi Cơ sở 2 đi vào hoạt động thì có đến 2/3 nhân lực tại BV chính phải xuống đó.

Cơ sở 2 BV Ung bướu được khởi công xây dựng ngày 26.6.2016, dự kiến hoàn thiện vào ngày 27/10/2017. Dự án có quy mô 1.000 giường với tổng mức đầu tư trên 5.800 tỉ đồng (thực tế khoảng 4.400 tỉ đồng).


Cơ sở 2 là một trong 5 đề án đầu tư xây dựng mới 5 BV, viện thuộc tuyến T.Ư và tuyến cuối đặt tại TP.HCM do Thủ tướng phê duyệt năm 2014. Tuy nhiên đến thời gian bàn giao công trình thì dự án vẫn chưa được liên danh Công ty Thuận Việt - Era E & C (nhà thầu xây dựng) hoàn thành. Tháng 5.2018, dự án được UBND TP gia hạn đến hết năm 2019.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.