Con chỉ ra cái sai của bố mẹ: Là ‘phúc’ không phải là ‘họa’

Vụ livestream tố mẹ ruột nợ nần của Mr. Đàm rồi cũng sẽ qua đi và chìm nghỉm giữa vô vàn những vụ scandal khác. Sẽ chẳng có ai lo lắng hay day dứt về việc trẻ nên hay không nên cãi lại và chỉ ra cái sai của bố mẹ. Cũng không có ai rảnh rỗi quan tâm đến “quyền” của trẻ con.

Lên tiếng “tố” cái sai của mẹ bị đánh đồng là tội bất hiếu?

Vừa qua, trên trang cá nhân ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng đã kể lể trong nước mắt về nỗi khổ phải trả nợ thay mẹ trong suốt hơn 10 năm qua. Trong đoạn livestream, nam ca sĩ thẳng thắn tố cáo mẹ ruột thường xuyên dùng danh nghĩa của anh để mượn tiền bạn bè, khiến anh rơi vào cảnh khốn đốn vì nợ nần.

con chi ra cai sai cua bo me la phuc khong phai la hoa
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chụp ảnh cùng mẹ ruột (bên trái).

Ngay sau khi livestream được phát đi rộng rãi trên mạng, người cảm thông với anh thì ít, người “ném đá” anh thì nhiều. Thiết nghĩ cũng dễ hiểu, bởi nói về bố mẹ, gia đình, đặc biệt là lại lên tiếng chỉ trích, phán xét người đẻ ra mình ở Việt Nam đâu có phải là điều đơn giản. Chỉ cần nói điều không hay về bố mẹ, thì người con sẽ bị quy kết ngay vào tội bất hiếu.

Trong các loại tội, tội bất hiếu là tội khó được xã hội dung thứ nhất. Từ bao đời nay, xã hội ta luôn coi trọng công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Trong quan niệm chung của xã hội, chưa cần phải nuôi dưỡng, chỉ cần có công sinh ra là đã phải mang ơn bố mẹ suốt đời.

Nói nặng lời với bố mẹ, quát bố mẹ, chỉ trích cái sai của bố mẹ đều bị quy vào tội này. Thậm chí, khi chúng ta còn nhỏ, lỡ quên mất không “vâng ạ, dạ thưa”, lỡ nói không có chủ ngữ vị ngữ với bố mẹ, là y rằng bố mẹ mắng “đồ con bất hiếu”. Nói thế để hiểu người Việt Nam định nghĩa tội bất hiếu nó đơn giản và…buồn cười như thế đấy!

10 năm 20 tỷ thì tình mẹ bao nhiêu tỷ?

con chi ra cai sai cua bo me la phuc khong phai la hoa
Đàm Vĩnh Hưng kể trong nước mắt về nỗi khổ phải trả nợ thay mẹ trong suốt hơn 10 năm qua.

Ngày xưa nàng Kiều bán mình chuộc cha là tấm gương sáng ngời ngời về chữ “hiếu”, ngày nay có biết bao cô gái tự nguyện lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc để trả nợ cho bố mẹ. Thế nên, chuyện đường đường một ca sĩ nổi tiếng, có danh giá trong làng nhạc Việt Nam, lại dám “cả gan” lên tiếng chỉ trích những sai trái của mẹ đẻ mình, than thân trách phận vì phải trả nợ thay mẹ trong suốt bao năm qua thì đáng bị “vùi dập” chứ sao.

“Ai bảo anh dám đi ngược lại truyền thống chung? Đáng lẽ một người như anh, thay vì kể khổ kể sở, thì phải lấy làm vinh dự vì “được” hi sinh bản thân mình, trả nợ thay mẹ mình chứ. Ô hay, thế mẹ đẻ anh ra để anh nói mẹ như thế à? Mẹ nuôi anh lớn, dạy anh khôn để anh đáp trả lại mẹ như thế sao”. Đấy! Chắc chắn là cư dân mạng đang nghĩ thế đấy! Họ xỉa xói, “ném đá” không thương tiếc với những câu kiểu như “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Họ vin vào cái khái niệm “chữ hiếu” đầy mông lung và khó xác định kia để đánh đồng việc nam ca sĩ chỉ trích mẹ là một cái tội khó được tha thứ và không bao giờ được tha thứ.

Con chỉ ra cái sai của mẹ, là “phúc” chứ không phải “họa”

con chi ra cai sai cua bo me la phuc khong phai la hoa
Xưa nay chỉ thấy bố mẹ mắng trẻ, chứ trẻ không được quyền cãi lại và chỉ ra cái sai của bố mẹ.

Từ bao đời nay, chúng ta luôn mặc định con cái phải nghe lời bố mẹ. Dân gian chẳng có câu tục ngữ, mà mỗi chúng ta đều được học thuộc ngay khi vào lớp 1, đến bây giờ vẫn cứ thuộc làu làu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.

Nhớ ngày bé, nghịch ngợm là bị bố mẹ đánh đòn. Những lúc như vậy, nếu cãi lại và giải thích sẽ càng bị đánh đau hơn. Nếu bố đánh, thì mẹ đứng ngoài nói với vào: “Xin lỗi bố ngay đi con, nhận sai đi con, bố sẽ tha cho”, và ngược lại.

Cái quan niệm trẻ con phải nghe răm rắp lời người lớn nó ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Cũng giống như những hình ảnh học sinh ngồi ngay ngắn, mà thực ra là bị động nghe thầy cô giáo giảng bài – một sự tiếp thu một chiều. Trò không được cãi thầy, giống như con không được quyền cãi bố mẹ. Xưa nay chỉ có thầy cô đúng, bố mẹ đúng, còn bọn trẻ nếu phát hiện ra cái sai của bố mẹ và của thầy cô, cũng không thể lên tiếng. Nếu dám, sẽ bị liệt vào tội vô ơn và bất hiếu như đã nói ở trên.

con chi ra cai sai cua bo me la phuc khong phai la hoa
Con chỉ ra cái sai của bố mẹ, bố mẹ nên mừng thay vì mắng con bất hiếu.

Cách giáo dục như vậy không mang đến lợi ích gì cho trẻ, ngược lại, nó dần khiến trẻ trở thành bị động, ỷ lại, không có chính kiến và không có dũng cảm để lên tiếng, bảo vệ tiếng nói, luận điểm của mình. Trẻ cũng sẽ không có sự thẳng thắn, không dám nhìn thẳng vào cái sai của người khác và của chính mình.

Vụ livestream tố mẹ ruột nợ nần của Mr. Đàm rồi cũng sẽ qua đi và chìm nghỉm giữa vô vàn những vụ scandal khác. Người ta khi nhắc lại vụ việc này, sẽ chỉ nhớ đến những lời mỉa mai dành cho nam ca sĩ, những hồ nghi về việc nam ca sĩ có lợi dụng scandal để đánh bóng tên tuổi hay không. Sẽ chẳng có ai lo lắng hay day dứt về việc trẻ nên hay không nên cãi lại và chỉ ra cái sai của bố mẹ. Cũng không có ai rảnh rỗi quan tâm đến “quyền” của trẻ con.

Người lớn chúng ta vốn đặt mình ở địa vị cao hơn trẻ, luôn cho rằng người lớn mới là những người hiểu biết, trẻ con đơn giản là một tờ giấy trắng. Thế nhưng, trẻ con không phải tờ giấy trắng đâu, sinh ra chúng đã là một “tuyệt tác” rồi. Làm sao để bức tranh ấy vẫn là một tuyệt tác là điều không đơn giản. Hãy để trẻ được quyền lên tiếng, được nói ra cái sai của bố mẹ một cách không do dự, ngại ngần. Chẳng phải chúng ta vẫn đang hô hào nên làm bạn với con, nên bình đẳng với con sao! Con chỉ ra cái sai của bố mẹ, rốt cuộc là “phúc” tuyệt đối không phải là “họa”. Xin đừng đánh đồng hành động tuyệt vời này với tội vô ơn, bất hiếu mà tội nghiệp cho con trẻ!

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.