Thời gian qua, Công an TP Hà Nội cũng như Phòng Cảnh sát đường thủy đã ban hành nhiều kế hoạch, thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống nạn "cát tặc".
Gần đây nhất, Công an TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 120, Phòng Cảnh sát đường thủy cũng có kế hoạch số 258 về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn các tuyến sông thuộc địa bàn TP Hà Nội.
Thực hiện các kế hoạch này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, rạng sáng ngày 3/11, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, mật phục và đã bắt giữ được 15 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điển hình, khoảng 1h00 cùng ngày, tại Km 201 sông Hồng (thuộc địa bàn phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm), tổ công tác Đội Tuần tra kiểm soát (TTKS) số 2, Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội và CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt quả tang 7 phương tiện thủy đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép.
Tàu thuyền ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông Hồng được phóng viên ghi lại vào tháng 8. |
Trong số 7 phương tiện này có 4 tàu hút sang mạn, 3 tàu chở hàng. 4 tàu hút cát sang mạn không mang biển số do Trần Văn An (SN 1993, ở xã Nghĩa Lạc), Trần Văn Tuấn (SN 1978), Trần Văn Huấn (SN 1991) và Phạm Văn Nghĩa (SN 1986) cùng ở xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định điều khiển.
3 tàu chở cát gồm tàu mang biển số BN-1237, có trọng tải 740 tấn, do Vũ Văn Tắc (SN 1972, ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển; tàu mang biển số BN-1200, trọng tải 400 tấn do Trần Quang Phiên (SN 1974, ở xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển và tàu mang biển số HD-1971, trọng tải 600 tấn do Nguyễn Xuân Thủ (SN 1971, ở xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) điều khiển.
Cùng thời điểm trên, Đội TTKS số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Đan Phượng và các đơn vị chức năng của Công an Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 8 phương tiện gồm các tàu hút cát sang mạn tự chế và tàu chở hàng.
Trong đó, tại Km 204+200 thuộc địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, tổ công tác bắt giữ một tàu hút cát sang mạn tự chế, không biển số do Lê Hoàng Việt (SN 1985, ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng) điều khiển. Chiếc tàu sang mạn này đang khai thác cát trái phép đưa lên tàu hàng biển số Hta-0287, do ông Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1960, ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) điều khiển.
Tại Km 204+400 cùng địa điểm trên, tổ công tác tiếp tục bắt giữ 2 tàu hút cát sang mạn không đăng ký biển số do Nguyễn Ngọc Mười (SN 1984, ở Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Vũ Văn Thế (SN 1986, ở quận Kiến An, TP Hải Phòng) điều khiển.
Trước đó, từ đầu tháng 8 tới nay, nhóm phóng viên đã thực hiện điều tra về tình hình khai thác cát trái phép trên nhiều tuyến sông, trong đó có sông Hồng thuộc địa bàn quản lý của TP Hà Nội.
Trong tháng 8 và đầu tháng 9, khi di chuyển trên sông Hồng, chúng tôi thường xuyên phát hiện phương tiện khai thác cát trái phép tại nhiều điểm khác nhau.
Có thời điểm, nhóm phóng viên trực tiếp chứng kiến hàng chục tàu sang mạn, tàu hút và tàu chở hàng tập trung tại một địa điểm để khai thác cát trái phép như một "thành phố nổi" trên sông.
Trước tình trạng này, phóng viên đã thông tin tới Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ngay lập tức, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng đã giảm đi rõ rệt trong thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua.
Tuy nhiên, thời gian gần đây "cát tặc" có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại tại một số địa điểm. Chính vì thế, Công an TP Hà Nội đã thực hiện cuộc vây bắt trên quy mô lớn như đã nói ở trên.
Cận cảnh một chiếc tàu hút cát trái phép tại khu vực bãi nổi phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm vào đêm 22, rạng sáng 23/10. |
Cũng cần nói thêm, ngày 25/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có văn bản gửi chuyên trang Việt Nam Mới - báo điện tử Pháp luật & Xã hội sau khi tòa soạn đăng tải loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành khác.
Nội dung văn bản cho biết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có chỉ đạo về việc chuẩn bị các tài liệu có liên quan phục vụ chương trình giám sát chuyên đề về nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn toàn quốc.
Thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành thu thập, tổng hợp thông tin đã được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tháng 1/2014 đến tháng 10/2016 về chủ đề khai thác cát, sỏi không phép, trái phép trên toàn quốc.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị chuyên trang Việt Nam Mới quan tâm phối hợp cung cấp các tin, bài, phóng sự, ảnh, video clip… đã đăng tải, phản ánh về chủ đề này.
“Các tin, bài, phóng sự, ảnh, video clip được lựa chọn gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ là bằng chứng thực tế, phản ánh sinh động về vấn nạn này, đồng thời làm căn cứ quan trọng để MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố lựa chọn các địa bàn giám sát cụ thể về nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn toàn quốc,” văn bản của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm của lực lượng Công an TP Hà Nội, cùng với sự vào cuộc giám sát của MTTQ Việt Nam, thì vấn nạn khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi.