Gần nửa tháng trước, trả lời Việt Nam mới về vụ phá rừng nghiến tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Quang, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng và đã giao cho đơn vị chuyên trách đôn đốc để khởi tố vụ án. Trong một phát ngôn mới nhất, chủ rừng cho hay việc khởi tố vụ án vẫn chưa được thực hiện bởi cơ quan công an từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Vụ tàn phá rừng nghiến ở Phong Quang là nghiêm trọng và có dấu hiệu phạm tội rõ ràng |
Sang tận Trung Quốc để chặn "đầu ra" của gỗ lậu
Trao đổi với Việt Nam Mới, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết, ngay sau khi những thông tin về tình trạng tàn phá rừng nghiến ở KBTTN Phong Quang được Việt Nam Mới đăng tải, ông đã đích thân dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh vào tận trong rừng Phong Quang kiểm tra hiện trạng, làm việc với chủ rừng và chính quyền địa phương. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang giao các đơn vị triển khai ngay các giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng và mua bán lâm sản trái phép.
Những chiếc xe máy "trần" được lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ lậu |
“Công an tỉnh phối hợp với Kiểm lâm và Biên phòng thành lập ngay một lực lượng liên ngành tiến hành điều tra, truy quét các đối tượng chặt phá rừng trái phép. Tỉnh cũng giao Sở Công thương thành lập một đoàn công tác do Giám đốc sở làm Trưởng đoàn, sang Trung Quốc (các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Vân Nam) làm việc, đề nghị nước bạn phối hợp nhằm cắt đứt đường giao thương lâm sản trái phép và truy bắt các đầu nậu bên kia biên giới. Mục tiêu chính là ngăn chặn “đầu ra” của gỗ lậu”, ông Tiến nói.
Những thớt nghiến này chủ yếu được lâm tặc bán sang bên kia biên giới |
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang cho hay, theo chỉ đạo của tỉnh, đơn vị này cũng đang chủ trì, phối hợp với các ban, ngành khác thực hiện một loạt các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
“Những giải pháp này đã nằm trong cả một hệ thống được triển khai trong nhiều năm qua nhưng đợt này sẽ thực hiện quyết liệt hơn, bài bản hơn và có sự tham gia của nhiều thành phần với tính đồng thuận cao hơn. Mục tiêu của nhóm giải pháp này vừa mang tính lâu dài, vừa có tính thời sự, giải quyết ngay những vấn đề nóng trước mắt”, PGS.TS Phạm Văn Điển nói.
Tỉnh Hà Giang đang thực hiện hàng loạt giải pháp để bảo vệ rừng nghiến Phong Quang |
Giải pháp thời sự mà PGS.TS Điển nhắc tới là thành lập các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ngay tại các thôn bản sống xen lấn trong vùng lõi của KBTTN Phong Quang. Mỗi thôn bản ở đây sẽ có một tổ với khoảng 7-9 thành viên chịu trách nhiệm nắm bắt thông tin trong thôn và tổ chức vận động, tuyên truyền người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
“Công tác đối thoại, vận động người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm KBTTN đang nhận được sự ủng hộ tốt của bà con. Về lâu dài, chúng tôi sẽ triển khai ngay các giải pháp nhằm cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, trong đó sẽ thí điểm khoán bảo vệ rừng tới từng hộ dân. Các khoảnh rừng, các tiểu khu có điểm nóng về nạn phá rừng sẽ được chọn để đem giao khoán”, PGS.TS Điển cho hay.
Chưa khởi tố vì công an huyện từ chối nhận hồ sơ?
Trong một diễn biến khác, liên quan đến thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về việc khởi tố vụ án hình sự đối với những vụ phá rừng ở KBTTN Phong Quang mà Việt Nam Mới phản ánh, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng (BQLRĐD) Phong Quang cho biết, việc khởi tố vụ án vẫn chưa thực hiện được vì cơ quan công an từ chối nhận hồ sơ.
Chủ rừng khẳng định đã gửi hồ sơ đề nghị khởi tố vụ án |
“Công an bảo bây giờ ít nhất phải có đối tượng thì họ mới nhận hồ sơ chứ giờ chưa tìm được ai nên họ chưa đồng ý. Về quy định thì mình phải khởi tố, phải chuyển cho công an thì mới hết trách nhiệm được nhưng bên công an có lí riêng của họ. Chúng tôi có hỏi ý của họ như thế nào thì họ bảo bây giờ cần phối hợp đã. Nếu phát hiện ra đối tượng sẽ khởi tố cho chắc chắn”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, đơn vị từ chối nhận hồ sơ của chủ rừng để khởi tố vụ án là Công an huyện Vị Xuyên. Sau đó, Công an tỉnh Hà Giang vào cuộc nên vụ việc hiện đã được giao cho cơ quan này: “Đích thân Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang đã giao cho Công an, Kiểm lâm và Biên phòng phối hợp điều tra, truy quét. Họ sẽ khởi tố sau vì thời hiệu vẫn còn”.
Gốc nghiến cổ thụ này có đường kính lên tới gần 5m đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định việc Công an huyện Vị Xuyên từ chối nhận hồ sơ đề nghị khởi tố vụ án phá rừng của cơ quan Kiếm lâm như lời ông Hưng là không đúng quy định của pháp luật.
Theo phân tích của Luật sư Thơm, khi phát hiện ra một vụ phá rừng, lực lượng Kiểm lâm, bằng nghiệp vụ của mình xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ lập hồ sơ gửi sang cơ quan điều tra của Công an nhân dân để tiếp tục điều tra, giải quyết theo thẩm quyền. Trách nhiệm của cơ quan công an là phải tiếp nhận hồ sơ, xem xét nếu đúng là có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vu án. Sau đó, quá trình điều tra, nếu xác minh được người nào có dấu hiệu phạm tội thì sẽ khởi tố bị can.
Vụ phá rừng ở Phong Quang là nghiêm trọng và có dấu hiệu phạm tội rõ ràng |
“Một vụ phá rừng, khi đã xác định là do tác động của con người chứ không phải thiên nhiên tàn phá tức là đã có dấu hiệu phạm tội. Lực lượng Kiểm lâm, bằng nghiệp vụ của mình sẽ tiến hành điều tra ban đầu, khám nghiệm hiện trường, chụp ảnh, lập hồ sơ báo cáo gửi cơ quan công an thì lúc đó hồ sơ của Kiếm lâm được coi như một nguồn tin tố giác tội phạm. Trách nhiệm của cơ quan công an là phải tiếp nhận hồ sơ để xem xét, xác minh chứ không được phép từ chối. Quy trình tố tụng này được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự rồi”, Luật sư Thơm nói.