Công dân lên ý tưởng xây cầu đi bộ BOT nối quận 1 với Thủ Thiêm, Bộ GTVT nói gì?

Một công dân ở TP HCM lên ý tưởng xây dựng cầu đi bộ nhiều tầng theo hình thức BOT nối quận 1 với khu đô thị Thủ Thiêm.

Untitled

Ảnh minh họa cầu đi bộ theo hình thức BOT được ông Phạm Sỹ Nhật đưa ra.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, tháng 6/2019, ông Phạm Sỹ Nhật (sống tại TP HCM) đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc cho phép lập nghiên cứu tiền khai thi dự án cầu đi bộ nối quận 1 với Thủ Thiêm.

Cụ thể, ông Phạm Sỹ Nhật cho biết, theo qui hoạch được phê duyệt có 2 cây cầu đi bộ nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng hiện chưa có công trình nào triển khai. Từ thực tế này, ông Phạm Sỹ Nhật có ý tưởng giúp TP HCM có cầu đi bộ hoàn toàn miễn phí cho người dân.

Theo đó, ý tưởng của ông Nhật là làm cầu đi bộ nhiều tầng hình thức BOT; bên dưới là cầu đi bộ, các tầng bên trên cho thuê để hoàn vốn xây dựng.

"Nhà nước chỉ cần cấp phép mà không tốn chi phí để xây dựng cầu. Toàn bộ số tiền xây dựng cho nhà đầu tư chi trả; nhà đầu tư thu lợi nhuận dựa trên việc kinh doanh không gian bên trên cầu để làm khách sạn và cửa hàng trong thời gian hoàn vốn", ông Nhật nói.

Về chí phí, tính toán sơ bộ khoảng 98 triệu USD. "Tôi có lập hồ sơ nghiên cứu sơ bộ dự án này", ông Phạm Sỹ Nhật chia sẻ.

Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nhật đã đề xuất cho phép ông được lập nghiên cứu tiền khả thi dự án để làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng.

Với phương án cầu đi bộ nêu trên, TP HCM sẽ có một cây cầu đi bộ độc đáo, miễn phí; thu ngân sách hàng năm từ cây cầu ước đạt 7-11 triệu USD.

Ngoài ra, theo ông, sau thời gian hoàn vốn BOT, công trình được chuyển giao lại cho nhà nước toàn quyền khai thác với thời gian tạm tính là 30 năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về đề xuất của ông Phạm Sỹ Nhật, Bộ GTVT đã bày tỏ hoan nghênh.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết dự án của ông Nhật đề xuất thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) nên sẽ được triển khai theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ.

Bộ này cũng đề nghị ông Nhật căn cứ Điều 22, 23 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP để đăng kí đề xuất thực hiện dự án (bao gồm cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận) và trình hồ sơ đề xuất dự án tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kí kết và thực hiện hợp đồng dự án xem xét, chấp thuận.

Trong trường hợp này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kí kết và thực hiện hợp đồng dự án là UBND TP HCM.

Do đó, Bộ đề nghị ông liên hệ với UBND Thành phố để đăng kí đề xuất thực hiện dự án và trình hồ sơ đề xuất dự án theo qui định (Điều 23 qui định hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư bao gồm: văn bản đề xuất thực hiện dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ về tư cách pháp lí, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư….).

UBND TP HCM vừa giao Sở Qui hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức tuyển chọn và nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có vị trí dự kiến gần quảng trường Hồ Chí Minh (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), đặc biệt gần cột cờ Tổ quốc tại quảng trường.

Đây là cầu đi bộ đầu tiên vượt sông Sài Gòn, nối quận 1 (đường Tôn Đức Thắng) với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.