Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Người dân trong khu 4,39ha sẽ được hoán đổi đất

Hoán đổi nền đất, căn hộ tái định cư được lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định là phương án phù hợp quy định và có lợi nhất cho người dân trong khu 4,39ha thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM).
Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Người dân trong khu 4,39ha sẽ được hoán đổi đất - Ảnh 1.

Một góc khu 4,3ha khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM. (Ảnh: TỰ TRUNG)

Đây cũng là vấn đề mà những hộ dân có đất bị thu hồi trong khu 4,39 ha thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐT Thủ Thiêm) quan tâm, phản ảnh về việc giải quyết quyền lợi bấy lâu nay.

Có lợi cho người dân

Ông Nguyễn Phước Hưng - chủ tịch UBND quận 2, tổ trưởng tổ công tác liên ngành về vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư KĐT Thủ Thiêm - cho biết việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khu 4,39 ha ở khu phố 1, phường Bình An trong KĐT Thủ Thiêm thực hiện theo kết luận kiểm tra số 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ.

Kết luận này kiến nghị cho UBND TP tiếp tục thực hiện quy hoạch KĐT Thủ Thiêm, trong đó có diện tích 4,39 ha trên và nghiên cứu phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư phù hợp cho người dân.

Theo ông Hưng, quá trình xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư bổ sung cho người dân khu vực 4,39 ha, tổ công tác đã thẩm định giá thị trường, so sánh giá của các dự án lân cận, so sánh hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường của những dự án có vị trí tương đồng của khu 4,39 ha... Sau cùng, chọn phương án hoán đổi đất theo Luật đất đai 2013.

Vì sao đây được xem có lợi nhất cho người dân? Ông Hưng cho biết giá đất ở bồi thường cho các dự án đang thực hiện ở các phường lân cận vị trí khu 4,39 ha tương đối thấp. Còn giá thị trường không kiểm soát thì rất cao nhưng không có đầy đủ cơ sở pháp lý. Do đó, chọn phương án giao đất mới cho người dân, tức hoán đổi đất. Tỉ lệ hoán đổi được cơ quan nhà nước và các đơn vị thẩm định giá tính toán độc lập và song song.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng so sánh giá đất bồi thường các dự án ở vị trí lân cận khu 4,39 ha và giá đất bồi thường tại các vị trí khu tái định cư dự tính hoán đổi cho dân. Các đơn vị thẩm định giá độc lập sẽ được mời thẩm định giá thị trường các vị trí tương tự để tính ra hệ số chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất giữa khu 4,39 ha và các khu tái định cư.

Dựa trên các hệ số do hai hệ thống trên cung cấp, tổ công tác sẽ cân đối hệ số hoán đổi đất cho người dân.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Người dân trong khu 4,39ha sẽ được hoán đổi đất - Ảnh 2.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Người dân trong khu 4,39ha sẽ được hoán đổi đất - Ảnh 3.

Các khu tái định cư dự tính hoán đổi nền đất cho người dân là khu 1,8ha Bình Khánh (trước chợ Bình Khánh), khu 30ha Nam Rạch Chiếc, khu 50ha Cát Lái, khu 174ha Thạnh Mỹ Lợi, khu 143ha Thạnh Mỹ Lợi, các chung cư để bố trí tái định cư cho dân là khu 17,3ha, khu 38,4ha, khu 6,4ha Thạnh Mỹ Lợi, khu B27.

Khi so sánh thực tế, phương án hoán đổi nhà, đất tái định cư có lợi cho người dân hơn. Ví dụ 1m2 đất ở mặt tiền đường Trần Não trong các dự án được Nhà nước bồi thường những năm gần đây chỉ khoảng 60 triệu đồng/m2, nhưng có thể hoán đổi được 1,3m2 đất tái định cư mặt tiền đường Lương Định Của, gần 4,4m2 đất nền tái định cư trong khu 50ha Cát Lái...

Giá trị của phần đất được hoán đổi gần bằng với giá đất trên thị trường không kiểm soát, nên người dân được lợi rất nhiều so với giá Nhà nước bồi thường tại những dự án có vị trí tương đồng. Những hộ gia đình có diện tích đất nhỏ, không đủ để hoán đổi nền đất sẽ được hoán đổi bằng căn hộ chung cư.

Ưu tiên người bị cưỡng chế di dời

Chủ tịch UBND quận 2 cũng cho biết thêm trong 4,39 ha ngoài ranh có 2 hộ dân có diện tích đất lớn gần 2.000m2, phần lớn các hộ dân có 200-400m2 đất và số ít hộ có diện tích đất nhỏ 20-30m2.

Phương án bồi thường hỗ trợ bổ sung cũng ưu tiên cho 11 hộ dân bị cưỡng chế di dời trước đây và 4 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, theo hướng các hộ dân sẽ được ưu tiên chọn vị trí hoán đổi trước tiên. Với những hộ dân đã nhận nền đất hoặc căn hộ tái định cư sẽ ưu tiên cho chọn chính vị trí đã nhận.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, sở dĩ tổ công tác quyết định trình phương án này vì được nhiều hộ dân đồng tình nhất. Hiện còn 27/331 hộ không đồng ý với phương án trên. Tổ công tác đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, những ý kiến nào có lợi cho dân, phù hợp với quy định của pháp luật thì tổ đã tiếp thu và đưa vào phương án, những ý kiến khác đều được tổ công tác ghi nhận.

Đơn cử như trường hợp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước: theo phương án cũ, người dân chỉ được bồi thường hỗ trợ 60% so với nhà thuộc sở hữu tư nhân và chỉ được bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư.

Theo chính sách bổ sung thì 60% này được quy đổi ra đất ở. Một số hộ dân không đồng ý nhận mức bồi thường hỗ trợ 60%, mà yêu cầu được 70% hoặc 80%. Điều này, theo ông Hưng, không thể thay đổi được vì UBND TP HCM đã xin ý kiến trung ương để tăng tỉ lệ này lên và không được trung ương đồng ý.

Một nội dung nữa cũng được nhiều người dân có ý kiến là tỉ lệ bồi thường hỗ trợ cho đất lấn chiếm. Nhiều người mua đất lấn chiếm theo chính sách cũ sẽ không được bồi thường nên không đồng ý, chính sách mới linh động bồi thường, hỗ trợ người dân một tỉ lệ nhất định.

Chủ tịch UBND quận 2 cũng cho biết đây là chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư bổ sung trên nền dự án cũ, chứ không phải là một dự án mới. Sau khi HĐND TP thông qua chính sách bổ sung, quận 2 sẽ niêm yết chính sách, sau đó trình chính sách hoàn chỉnh cho Sở TN-MT thẩm định và UBND TP ban hành.

"UBND quận 2 đang gấp rút hoàn thiện để có thể giao đất cho dân sớm nhất" - ông Nguyễn Phước Hưng cam kết. Và theo chính sách bổ sung, các hộ dân sẽ trả lại tiền bồi thường đã nhận sau khi nhận nền tái định cư hoán đổi.

Đang phân loại đơn thư khiếu nại

Về việc hơn 4.500 hộ dân KĐT Thủ Thiêm đã nộp đơn khiếu nại về bồi thường, ông Hưng cho biết Thanh tra quận 2 đang phân loại. Sau khi phân loại đơn, tổ công tác sẽ xin ý kiến của cơ quan chức năng về quy trình xử lý khiếu nại cho số đơn này. Các hộ dân sẽ giải quyết theo hình thức cần đối thoại, không cần đối thoại, trả lời bằng quyết định và ban hành văn bản trả lời.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.