Bồi thường 4,39 ha đất ngoài ranh khu Thủ Thiêm ra sao?

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh phương án bồi thường người dân Thủ Thiêm có đất trong khu 4,39 ha ngoài ranh 'có lợi cho người dân', vậy phương án đó sẽ thực hiện ra sao?
avatar_1565920681968

Một căn nhà còn sót lại trong diện tích 4,39 ha ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Ngọc Dương)

Như Thanh Niên đã thông tin, tại buổi họp báo chiều 14/8 triển khai kế hoạch của UBND TP HCM thực hiện Kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh phương án bồi thường người dân có đất trong khu 4,39 ha ngoài ranh “có lợi cho người dân”. Vậy cụ thể phương án này ra sao?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, kế hoạch chi tiết về giải quiết hỗ trợ và bồi thường liên quan đến diện tích 4,39 ha được xác định ngoài ranh Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (KP.1, P.Bình An, TP HCM) sau quá trình dài bàn thảo, xây dựng đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thông qua. Phương án này sắp tới UBND TP HCM sẽ trình HĐND TP HCM để thông qua chính sách hỗ trợ, bồi thường cho người dân trong khu 4,39 ha.

Đất qui đổi giá tương đồng giá thị trường

Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2, Tổ trưởng công tác liên ngành liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm, cho biết khi bắt đầu xây dựng chính sách bồi thường, tổ công tác thuê đơn vị tư vấn độc lập để xây dựng đơn giá bồi thường. Ban đầu tổ công tác thống nhất sẽ áp dụng giá bồi thường mà đơn vị tư vấn xây dựng. Tuy nhiên giá thị trường không kiểm soát mà đơn vị tư vấn đưa ra ở KĐTM Thủ Thiêm quá cao, rất khó áp dụng. Chưa kể nếu bồi thường cho người dân trong khu 4,39 ha theo giá “cao chót vót” sẽ ảnh hưởng đến một số dự án bồi thường, giải tỏa ở Thủ Thiêm.

Sau đó, tổ công tác mới đưa ra cách tính đền bù theo qui chiếu hệ số. Tức là đơn vị tư vấn vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở qui chiếu hệ số tỷ lệ diện tích đất được hoán đổi. 

Ví dụ 1 m2 ở đường Trần Não theo giá thị trường không kiểm soát sẽ được bao nhiêu mét vuông nếu hoán đổi sang đường Lương Định Của cũng theo giá thị trường không kiểm soát. Cùng với thuê tư vấn, tổ công tác cũng lấy đơn giá nhà nước ban hành gần đây nhất liên quan đến những vị trí được đổi đất để tính hệ số qui đổi. Kết quả cho ra gần tương đồng với con số mà đơn vị tư vấn đã tính. Bước cuối cùng, đơn vị tư vấn thẩm định và thống nhất với hệ số qui đổi mà tổ công tác đưa ra phù hợp với chính sách đền bù.

“Để chốt được chính sách qui đổi trình Ban Thường vụ Thành ủy, tổ công tác phải qua rất nhiều khâu, với sự phản biện của nhiều sở ngành, đơn vị tư vấn, rồi nhiều lần trình lên TP HCM xin ý kiến... Hệ số qui đổi mà tổ công tác và đơn vị tư vấn đưa ra có chỗ cao hơn, có chỗ thấp hơn nhưng nhìn chung độ chênh không nhiều, có thể chấp nhận được”, ông Hưng nói.

Ông Hưng ví dụ nếu hộ dân có 1 m2 ở mặt tiền Trần Não nằm trong khu 4,39 ha nếu qui đổi đất mặt tiền đường Lương Định Của sẽ được khoảng 1,3 m2, đổi ở đường số 4 (rộng 22 m) và đường A (rộng 24 m) đều được 1,7 m2, đổi ở đường nội bộ (rộng 8 m) được 2,2 m2... Bốn tuyến đường này đều nằm trong khu 1,8 ha ở Bình Khánh mà Q.2 dự tính qui đổi đất. 

Nguyên tắc qui đổi là vị trí đất mà hộ dân nhận càng xa trung tâm Q.2 thì diện tích nhận được càng lớn. Tổ công tác cũng tính sau khi đổi, nếu người dân đem bán diện tích được qui đổi thì số tiền thu về tương đồng với giá diện tích đất bị thu hồi trong khu 4,39 ha ở thời điểm hiện tại. Phương án này được đánh giá đem lại rất nhiều quiền lợi cho các hộ dân.

Những hộ nào được ưu tiên chọn nền đất?

Trong phương án của tổ công tác, TP HCM dành một số quỹ đất để qui đổi cho người dân là khu 1,8 ha ở Bình Khánh, khu 30 ha ở Nam Rạch Chiếc, khu 50 ha ở Cát Lái, khu 174 ha và 143 ha ở Thạnh Mỹ Lợi cùng các khu chung cư tái định cư. Đất thu hồi trong khu 4,39 ha ngoài ranh đều được qui đổi sang đất và căn hộ chung cư.

Chỉ khi nào việc qui đổi khiến diện tích đất quá nhỏ không thể đổi đất và căn hộ được nữa mới tính thành tiền theo giá nhà nước gần đây nhất. Đây cũng là điều khiến một số người dân lấn cấn và có nhiều ý kiến khi làm việc với tổ công tác. Trong 4,39 ha ngoài ranh, có hai hộ có diện tích lớn nhất gần 2.000 m2, còn lại phần lớn diện tích 200 - 400 m2; có một số hộ diện tích chỉ 20 - 30 m2.

Ông Hưng cho biết phương án đưa ra sẽ ưu tiên cho 11 hộ dân bị cưỡng chế và 4 hộ dân hiện chưa nhận tiền bồi thường. 15 hộ này sẽ được ưu tiên lựa chọn vị trí nền đất hoán đổi. Sau đó mới đến các hộ dân có nhà đất sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, đất lấn chiếm đất công. Với các hộ trước đó đã nhận bồi thường bằng đất sẽ ưu tiên chính vị trí đất đã nhận; diện tích còn lại sẽ qui đổi sang vị trí đất khác. Đối với hộ dân đã nhận tiền bồi thường phải nộp lại tiền mới áp dụng chính sách mới.

Cũng theo ông Hưng, đến nay UBND Q.2 đã tiếp 308/331 hộ dân nằm trong khu 4,39 ha. Hơn 50% số hộ được tiếp đồng thuận với phương án đổi đất; khoảng 30% hộ dân (rơi vào số hộ có nhà thuộc sở hữu nhà nước và hộ có đất chiếm dụng) có ý kiến về tỷ lệ qui đổi; 27 hộ không đồng ý với phương án đưa ra. Thời gian tới, tổ công tác và UBND Q.2 sẽ tiếp tục đối thoại, làm việc và hiệp thương với các hộ dân để nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Bồi thường 4,39 ha đất ngoài ranh khu Thủ Thiêm ra sao? - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP HCM tiếp 28 hộ dân khiếu nại kéo dài

Chiều 15.8, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.2, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan tiếp 28 hộ dân liên quan khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh KĐTM Thủ Thiêm. Dự buổi tiếp còn có ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư, Thanh tra Chính phủ. Buổi tiếp xúc này được UBND TP HCM thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Trước đó, 28 hộ dân này nhiều lần ra Hà Nội khiếu nại, tố cáo kéo dài với nội dung chủ yếu nhà đất nằm ngoài ranh KĐTM Thủ Thiêm.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, liên quan đến 10 nhóm chính sách hỗ trợ bổ sung cho người dân có khiếu nại nhưng nằm trong ranh KĐTM Thủ Thiêm, ông Hưng cho biết đến nay TP HCM đã xây dựng hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, nhóm chính sách này chưa thực hiện được vì phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số tiền hơn 38.000 tỉ đồng chi trả cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong KĐTM Thủ Thiêm. Nếu được thông qua, TP HCM sẽ phải chi hơn 1.000 tỉ đồng để giải quiết quiền lợi cho hơn 2.000 hộ dân khiếu nại.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.