Trước đó, vào hồi đầu năm 2016, tình hình sức khỏe của NSƯT Phạm Bằng đột nhiên bị giảm sút. Trong suốt 3 tháng ông không ăn uống được gì và bị sút hơn 7kg. Các bác sĩ tại Singapore thăm khám và phát hiện ông bị tắc ống mật. Nhiều người đã cầu mong một phép màu nào đó sẽ đến với ông.
Cách đây vài ngày, thông tin nghệ sĩ Phạm Bằng lâm bệnh nặng cũng đã được truyền thông đưa tin. Thời điểm đó chia sẻ với báo giới, nghệ sĩ cho hay ông chỉ bị viêm túi mật, viêm gan và vừa được bác sĩ cho phép vế nhà nghỉ ngơi. Ông cũng cho hay sau khi sức khỏe hồi phục sẽ tiếp tục đóng phim phục vụ khán giả.
Chia sẻ của Phạm Bằng khiến người hâm mộ hi vọng bệnh tình của nghệ sĩ đã khởi sắc. Tuy nhiên, tối 31/10, những người yêu mến ông bất ngờ nghe tin dữ. Người nghệ sĩ tài hoa đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hồng Ngọc, hưởng thọ 85 tuổi. "Lúc 1h bố tôi được đưa đi cấp cứu nhưng đã không kịp. Ông mất vì ung thư, nhưng mọi người giấu không cho bố biết",con gái NSƯT Phạm Bằng xót xa cho biết.
Thông tin nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến khán giả đã từng biết đến ông tỏ lòng tiếc thương và chia buồn sâu sắc. Thậm chí có những người không tin vào mắt mình khi hay tin.
Trên rất nhiều trang mạng xã hội, hình ảnh người nghệ sĩ hiền lành được nhiều người chia sẻ với dòng tin buồn, “Nghệ sĩ Phạm Bằng đã qua đời rồi”. Người hâm mộ thương tiếc người nghệ sỹ được biết bao thế hệ yêu mến, nhiều nghệ sĩ, người hâm mộ trẻ vẫn gọi ông bằng cái tên trìu mến “bố Bằng”. Hay hễ nhắc đến bánh trôi tàu, người ta lại nhắc đến tên của ông “bánh trôi tàu Phạm Bằng”.
|
|
|
|
|
|
|
|
Thông tin trên VTC News, NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931, trong một gia đình khá giả tại Hà Nội, nhưng sau khi cụ thân sinh của ông qua đời để lại người mẹ chỉ vừa 24 tuổi cùng con trai còn nhỏ, gia đình ông đã gặp nhiều biến cố và khó khăn. Khi lớn lên, vừa đi học, Phạm Bằng tìm cách đi làm, nghề diễn đến với ông như một mối duyên từ một công việc làm thêm để phụ giúp mẹ. Phạm Bằng đỗ trường Cao đẳng Giao thông Công chính vào năm 1955, trong quá trình là sinh viên của trường ông cũng từng tham gia đóng kịch. Thế nhưng, việc học của ông từng bị gián đoạn một thời gian do công việc gia đình. Đến năm 1959, Phạm Bằng có cơ hội tham gia đoàn kịch của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở Vũ Như Tô nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. NSƯT Phạm Bằng đã thi đỗ cả hai nơi. Tháng 12 năm 1959, ông chính thức tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc. Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu hoạt động riêng. Phạm Bằng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Năm 1965, nỗ lực của nghệ sỹ Phạm Bằng bắt đầu được đền đáp. Ông bắt đầu đảm nhận các vai chính. Với gương mặt khá sắc sảo, Phạm Bằng thường được giao các vai tư sản, phản động, các vai cường hào ác bá thời phong kiến. Vai diễn đầu tiên trong nghiệp diễn của Phạm Bằng là vai một anh công nhân trong vở kịch Giờ phút quyết định (đạo diễn Nguyễn Bắc). Nhưng vai diễn đánh dấu niềm đam mê của ông đối với sân khấu kịch là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo Đêm tháng 7 (đạo diễn Dương Linh). Còn vai diễn ghi dấu son trong lòng khán giả của ông chính là vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong Mớ đời Thương (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được. |