Công ty xây dựng từng chi cổ tức tiền mặt đến 200% phải cắt giảm gần một nửa nhân viên do kinh doanh khó khăn

Kinh doanh khó khăn, Vimeco (VMC) - đơn vị do Vinaconex nắm 51% vốn công bố số đã cắt giảm đến 370 cán bộ công nhân viên trong năm 2020. Trước đó, doanh nghiệp này từng ghi dấu ấn với giới đầu tư khi có thời điểm chi trả 200% cổ tức bằng tiền mặt hồi năm 2017.

Vimeco cắt giảm biên chế gần 370 lao động, lãi vẫn chạm đáy 5 năm

Hôm nay (29/3), CTCP Vimeco (Mã: MVC) – đơn vị thành viên của Tổng công ty Vinaconex (VCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Tại đại hội, kế hoạch kinh doanh năm nay của Vimeco đã được thông qua với doanh thu dự kiến 1.302 tỷ đồng, tăng trưởng 103% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 21 tỷ đồng trong khi năm 2020 lãi chưa tới 4 tỷ đồng.

Theo Ban lãnh đạo công ty, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn với Vimeco. Doanh thu năm vừa qua của công ty chỉ đạt 57% kế hoạch; lãi sau thuế thực hiện chưa đến 15% mục tiêu đề ra. Năm 2020 cũng là năm công ty ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Công ty xây dựng từng chi cổ tức tiền mặt đến 200% phải cắt giảm gần một nửa nhân viên do kinh doanh khó khăn - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ BCTC của Vimeco.

Đáng chú ý, Vimeco đã giảm biên chế gần 370 cán bộ công nhân viên trong năm 2020, tương đương với 43% tổng số lao động của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo công ty cho biết vẫn không thể giảm chi phí tương ứng với doanh thu do chi phí khấu hao trong năm 2020 lên đến 35,1 tỷ đồng.

Các hợp đồng vốn được triển khai trong năm vừa qua không thực hiện được, chậm triển khai hoặc triển khai ngắt quãng do dịch COVID-19. Đặc biệt tại khu vực Đà Nẵng được Vimeco dự kiến đóng góp phần lớn cho doanh thu của công ty chịu ảnh hưởng từ hai đợt cách ly và liên tiếp hai cơn bão lớn.

Vimeco cũng không thực hiện được các công trình do Vinaconex giao, ước tính giá trị doanh thu 100 tỷ đồng năm 2020. Ngoài ra, các dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Dây, cầu Vĩnh Tuy, Viện K triển khai cuối năm vừa qua nên chưa đóng góp vào doanh thu của doanh nghiệp.

Tình hình kinh doanh của Vimeco liên tục đi xuống từ sau năm 2017, khi công ty hoàn tất hạch toán toàn bộ doanh thu từ dự án Vimeco CT4 tại Nguyễn Chánh, Cầu Giấy. Đây cũng là năm công ty báo lãi tăng trưởng đột biến gấp 8 lần năm trước đó và thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt 200% cho cổ đông.

Công ty con của Vinaconex cắt giảm biên chế gần gần 370 lao động năm 2020, công nợ chiếm 60% tài sản - Ảnh 2.

Ông Dương Văn Mậu phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Ánh Hường).

Vimeco cần kết nối với Vinaconex để lấy được các hợp đồng lớn trong tương lai

Sang năm 2021, đối với mảng sản xuất vật liệu xây dựng, Vimeco sẽ đẩy mạnh công tác tìm kiếm và sản xuất tại hai trạm bê tông thương phẩm là trạm Tây Mỗ và trạm Đà Nẵng.

Mảng hoạt động xây lắp, Vimeco sẽ tận dụng mọi mối quan hệ và nguồn lực để tiếp cận và tìm kiếm thêm việc làm.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ công ty cũng thông qua chủ trương giao dịch với Vinaconex và các công ty thành viên, công ty liên kết trong nhóm Vinaconex; đồng thời ủy quyền cho HĐQT được quyết định các điều khoản và điều kiện cụ thể các hợp đồng giao dịch trên.

Tại đại hội, ông Dương Văn Mậu, thành viên HĐQT công ty chia sẻ: "Năng lực hiện nay của Vimeco chỉ đảm bảo đc những gói thầu thi công 200 - 300 tỷ đồng thôi, nên phải kết nối với công ty mẹ để Vinaconex làm "leader", tạo ra những công việc tương lai cho công ty, khi mà giờ những gói thầu thi công dự án, xây dựng hạ tầng hiện nay hầu như từ nghìn tỷ đồng trở lên."

Về mối quan hệ với công ty mẹ, giữa năm 2017, Vinaconex từng có ý định bán phần vốn góp tại Vimeco. Tuy nhiên giao dịch không thành công do công ty mẹ không xác định được giá bán cổ phần VMC hợp ký vào thời điểm đó.

Trong năm nay, cổ đông VMC sẽ được thanh toán cổ tức năm 2020 tỷ lệ 5% (10 tỷ đồng). Công ty giữ lại phần lợi nhuận gần 17,4 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề công nợ tồn đọng của Vimeco mà cổ đông quan tâm, phía công ty cho biết sẽ thúc đẩy công tác thu hồi công nợ, cố gắng giảm tối đa công nợ tồn đọng trong năm 2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, Vimeco đang có 643 tỷ đồng phải thu ngắn và dài hạn, chiếm tới 60% giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, khoản dự phòng phải thu khó đòi gần 44 tỷ đồng. Vimeco không thuyết minh chi tiết công nợ khó đòi của những doanh nghiệp nào.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.