Đây là chia sẻ của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM khi trả lời phóng viên Infonet về tập tục cúng dâng sao giải hạn đang được nhiều người dân thực hiện.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM. |
Những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình đã bỏ ra không ít thời gian, tiền bạc cúng dâng sao giải hạn cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi, tránh vận xui rủi. Thầy có thể giải thích việc này có nguồn gốc từ đâu?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Nguồn gốc cúng dâng sao giải hạn là một tập tục có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, nó không phải là chủ trương của đạo Phật.
Về bản chất, nguyện vọng giải hạn là điều mà chúng ta đáng trân trọng. Giải hạn nghĩa là chúng ta tháo bỏ khỏi những khó khăn mà năm cũ chưa kết thúc. Và cách thức giải hạn theo đạo Phật phải phù hợp với nhân quả về mặt khoa học.
Như vậy muốn giải hạn phải hiểu bản chất khổ đau nằm ở chỗ nào, khoanh vùng nó lại và có phương pháp đúng để vượt qua. Cho nên Phật giáo cho rằng nếu chỉ đơn thuần dừng lại ở muốn thuận lợi qua sự cung thỉnh thì không giải quyết được vấn đề mà phải có phương pháp.
Còn về sao thì văn hóa Trung Hoa sai lầm khi cho rằng có 28 vì sao chiếu mạng. Cái họ gọi là sao thực ra là những hành tinh gắn kết với hệ mặt trời mà chúng ta đang sống hoặc là các hệ mặt trời bên ngoài, do đó Phật giáo cho rằng quan điểm “có 28 ngôi sao chiếu mạng” là rất sai lầm, không thể chấp nhận được.
Theo cách lí giải của thầy thì cúng sao giải hạn “không giải quyết” căn nguyên vấn đề nếu như chúng ta không thực hiện dựa trên qui luật nhân quả một cách khoa học?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Đạo Phật khuyên chúng ta rằng không nên sợ năm xui, tháng hạn, ngày tốt ngày xấu… vì những cái đó không có thật.
Trong cuộc sống có nghịch duyên và thuận duyên, có ngày thuận, ngày nghịch. Muốn có kết quả tốt thì chúng ta nên tạo thuận duyên để có kết quả như sự trông đợi.
Theo quan điểm của Phật giáo việc cúng dâng sao giải hạn là một hoạt động mê tín, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lí vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người cho nên để tạo tâm lí trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cúng kính. Theo Phật giáo điều này không giải quyết được vấn đề.
Bởi theo đạo Phật, các thần linh không có thật. Những người cúng dâng sao giải hạn là do họ thiếu hiểu biết các qui luật cuộc sống và các qui luật nhân quả. Cho nên mua sự trấn an tâm lí bằng việc cúng sao là không phù hợp.
Cho nên tốt nhất là không nên sợ hãi những vấn đề này nữa. Số phận thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chúng ta …
Theo tôi, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lí. Sống tốt không có sợ và làm việc nghĩa, việc tốt thì Tâm mình sẽ an.
Gần đây, việc cúng dâng sao giải hạn còn được thực hiện ở các nhà chùa. Theo thượng tọa, điều này có đúng không?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Ở chùa không có tập tục dâng sao, chùa nào làm việc đó là chưa phù hợp với chủ trương của đạo Phật.
Các chùa vào hôm nay (ngày mùng 8 tháng Giêng) chủ trương chính vẫn là cầu an. Cầu an gồm có 3 nội hàm: Cầu hòa bình thế giới - tránh chiến tranh xung đột, vũ trang; thứ hai cầu đất nước hòa bình độc lập chủ quyền thịnh vượng, phát triển và thứ ba là cầu cho mọi người, mọi gia đình đều được bình an.
Nguyện ước đó là nhu cầu tâm lí rất cần thiết, giữa con người với nhau, mưu cầu những điều tốt lành…
Phật giáo nhân những ngày này thay vì giống như những người đi theo các tôn giáo khác cúng dâng sao giải hạn thì Phật giáo tổ chức cúng cầu an ở nhiều chùa hướng về ba nội dung chính đó.
Tôi nghĩ rằng nguyện ước đó cần được thực hiện một cách tập thể để hạn chế chiến tranh, xung đột, bạo lực, bạo động, khủng bố,...
Giống như năm nay, chỉ trong mấy ngày Tết thôi cũng đã có tới hàng ngàn người đánh nhau. Điều này rất tệ hại.
Mình cầu cho cái Tâm được bình an để chúng ta không gây sự với người khác, mà lỡ bị người khác gây sự thì cũng không có đối đáp một cách thiếu thông minh tạo sự hài hòa trong mối quan hệ gia đình, xã hội, cộng đồng tốt đẹp.
Như vậy, về bản chất cúng cầu an khác hoàn toàn với cúng dâng sao giải hạn.
Lên chùa cầu an. (Ảnh minh họa) |
Để vượt qua những vận hạn, theo thầy chúng ta nên làm gì thay vì chỉ trông chờ vào việc cúng dâng sao giải hạn?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Về giải hạn, theo đạo Phật thứ nhất con người phải đối diện với thực tại với đau khổ, niềm đau với khó khăn thử thách.
Thứ hai phải khoanh vùng nguyên nhân tạo ra nó.
Thứ ba tin tưởng rằng mình giải quyết được nó. Và thứ tư là có giải pháp đúng. Giải pháp đúng ở đây được chia làm 3 trụ cột:
Thứ nhất tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng đạo đức để khắc phục hậu quả và thứ ba là tu tập, thiền định để làm chủ cảm xúc, làm chủ hành vi, lối sống. Ba giải pháp này giúp cho mình có khả năng giải quyết các vấn đề, nếu không dứt điểm cũng ít nhất khống chế được mức độ tốt đẹp.
Về bản chất giải hạn, Phật giáo gọi đó là chướng nghiệp. Ví dụ một người nào đó lỡ trộm cắp do lúc đó thiếu hiểu biết hoặc có lòng tham mà trị giá của món đồ trộm cắp khoảng 5 triệu đồng (cách đây 10 năm) bây giờ qui đổi trị giá tương đương 15 triệu thì mình phải cúng dường tương đương số tiền đó để nghiệp xấu được giải thoát.
Như vậy giải hạn phải chiếu vào trong cuộc sống thực tiễn, các hoạt động có giá trị cho nhân sinh. Nếu mình làm điều tốt cao hơn, nhiều hơn, lớn hơn nghiệp xấu thì sau khi triệt tiêu cái còn lại là kết quả…
Giải hạn như thế đặt ra sự hiểu biết về nhân quả, không sợ hãi, không mưu cầu, không mặc cả gì hết mà là một hành động mang tính nhân văn thì lúc đó mới giải quyết được vấn đề.
Xin cảm ơn thượng tọa đã dành cho Infonet cuộc trò chuyện ý nghĩa!
Những quan điểm sai lầm và ý nghĩa thực sự của việc dâng sao giải hạn đầu năm
Mỗi năm đến độ xuân sang, người Việt lại nô nức sắm sanh đồ lễ để dâng sao giải hạn. Việc cúng sao đầu năm ... |
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật
Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, thế nhưng ở trong chùa từ lâu cũng có làm để cầu mong cho ... |
Nghi lễ dâng sao giải hạn có thể giải hạn cho hàng trăm người cùng một lúc?
Các chuyên gia cho rằng, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, vì thế hàng loạt chùa tổ chức dâng sao ... |