Cuộc chạm trán giữa dâu Nam và mẹ chồng Bắc trong cái tết đầu tiên

Bữa ăn tối hôm ấy cố lắm tôi mới nuốt trôi, không dưng tôi thấy tủi thân vì ở nhà mình và so với bạn bè, tôi không phải là đứa vụng về chuyện bếp núc.

Mỗi lần tết về, chiều mùng 2 có chút thời gian rảnh, tôi lại kể cho các con nghe chuyện về ông bà nội, ngoại, nhất là chuyện lần đầu tôi làm dâu nhà chồng ngày tết.

Cách đây khoảng 15 năm, tôi về nhà chồng vào những ngày giáp tết. Là con gái người Nam lần đầu tiên về quê chồng toàn người gốc Bắc, tôi không quên chuẩn bị sẵn một số món “tủ” để ra mắt. Dù biết trước có thể phải làm quen với một số điều mới mẻ, tôi vẫn không khỏi bị sốc trước những gì xảy ra trong mấy ngày tết ngắn ngủi.

cuoc cham tran giua dau nam va me chong bac trong cai tet dau tien
Ảnh minh họa

Trong bữa ăn cuối năm, tôi dọn ra món thịt kho tàu và canh khổ qua dồn thịt, những món đặc trưng của mấy ngày tết mà tôi đã hì hụi chuẩn bị cả buổi sáng. Nhìn dĩa thịt kho trứng sóng sánh màu cánh gián và tô canh khổ qua nghi ngút khói trông thật hấp dẫn, cứ tưởng tượng lúc mọi người xuýt xoa khi ăn mà tôi lâng lâng, dù có mệt cũng chẳng bõ công.

Thế nhưng vừa đụng đũa, cô em chồng tôi đã giãy nãy lên bảo thịt kho gì mà ngọt như chè dẫu trước khi về làm dâu nhà anh, tôi đã biết người Bắc vốn không thích sử dụng đường khi nấu ăn nên đã gia giảm lượng đường hết mức có thể. Lạy trời, tôi vốn cẩn thận chứ đâu đến độ vô tâm, cạn nghĩ. Nhưng món thịt kho tàu nếu không có đường thì sao có thể lên màu đẹp mắt và đậm đà thế kia?

Cô em chồng ngúng nguẩy không đụng đũa vào món thịt kho trứng nữa, nét mặt dằn dỗi kiểu như tôi làm bữa ăn của cô ấy mất ngon. Vừa may, mẹ chồng tôi gắp thử một miếng thịt và khen ngon nên những người khác cũng bắt chước theo xem thế nào. Tôi không chắc món ấy có hợp khẩu vị với mẹ và bố chồng thật không nhưng nghe ông bà khen, tôi được lời như cởi tấm lòng.

Chưa hết, đến lượt chị chồng chê củ kiệu ngâm ngọt quá, món dưa giá thì có mùi khó ăn rồi lôi hũ dưa cải ngâm chua ở nhà làm sẵn ra ăn. Dĩa dưa giá củ kiệu mà tôi hì hụi cắt, phơi rồi ngâm từ mấy hôm trước với tất cả tâm huyết được trình bày đẹp đẽ trên mâm giờ ế chỏng chơ.

Tôi không hiểu sao cái hũ dưa cải chua mặn chát chẳng có chút hơi hướm gia vị ấy mà mọi người lại thi nhau gắp một cách ngon lành. Bữa ăn tối hôm ấy cố lắm tôi mới nuốt trôi, không dưng tôi thấy tủi thân vì ở nhà mình và so với bạn bè, tôi không phải là đứa vụng về chuyện bếp núc.

Hôm sau, cả nhà tập trung gói bánh chưng. Đứa con gái người Nam lần đầu tiên mục sở thị cảnh gói bánh với bao cảm xúc lạ lẫm, thú vị. Cả nhà quây quần bên nhau chuyện trò rôm rả trong không khí thật ấm cúng, mỗi người một việc thật nhịp nhàng, người đãi đậu, xào nhân, người rửa lá, gói bánh… khiến những cảm giác khó chịu trong tôi từ đêm trước biến đâu mất.

Đêm ấy, bên bếp lửa nấu bánh chưng, mẹ chồng mới tỉ tê tâm sự. Rằng nhỏ út mới chia tay người yêu nên tâm trạng gay gắt chứ chẳng phải ghét bỏ gì tôi. Còn chị chồng tôi do chưa quen ăn những món được nêm đường nhưng không khéo ăn nói nên mới dấm dẳng như vậy chứ chị ấy không có ý chê bai gì.

Mẹ bảo, tôi chưa ở lâu nên chưa hiểu hết tính ý từng người chứ ở nhà ai cũng thương tôi chứ chẳng phân biệt dâu con gì cả. Nghe mẹ nói, tôi cảm động muốn khóc. Hóa ra, mẹ đã đọc hết tâm tư của tôi. Tôi bỗng thấy xấu hổ vì những ấm ức trong lòng từ tối hôm trước.

cuoc cham tran giua dau nam va me chong bac trong cai tet dau tien

Ảnh minh họa

Mẹ chồng tôi nay gần tám mươi, sức khỏe đã không còn như trước nữa. Thói quen nấu bánh chưng mỗi dịp tết cũng không còn, phần vì mọi người không ăn nhiều nên mỗi dịp tết đến chỉ mua vài cái về cúng, phần vì con cháu đều bận rộn, chẳng ai có thời gian để nấu bánh như trước kia. Nhìn những nồi bánh chưng trên bếp lửa tí tách bên đường vào những ngày cuối năm, tôi nao nao khi nghĩ mẹ chẳng còn sống bên con cháu bao lâu nữa, càng nhớ lần đầu tiên cùng mẹ ngồi canh nồi bánh chưng đêm giao thừa.

Cái Tết đầu tiên nơi quê chồng tôi có những cảm xúc đan xen thật khó tả, vừa háo hức lẫn tủi thân, vừa thân tình xen lạ lẫm. Tôi nhận ra rằng những mâu thuẫn thường đến từ sự khác biệt, khác biệt trong lối sống, trong cách suy nghĩ đến văn hóa, môi trường… Tuy nhiên, chỉ cần có yêu thương, mọi khoảng cách, hiểu nhầm sẽ được hóa giải.

Tôi biết ơn mẹ chồng vì bà luôn biết cách dung hòa mọi thứ để không khí gia đình được đầm ấm, vui vẻ. Tôi thấy mình may mắn được gia đình chồng yêu thương nên từ sự khác biệt lúc đầu, tôi đã dần hòa nhập, thích nghi để có những mùa tết sau đầy yêu thương với những kỷ niệm thật đáng nhớ.

Đỗ Thu Vân

Tags:

tết

dâu Nam

mẹ chồng Bắc

bánh chưng

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.