Không hẹn mà cả 3 nhà cung cấp dịch vụ internet cố định hàng đầu Việt Nam gồm Viettel, VNPT, FPT Telecom đều quyết định nâng băng thông cho khách hàng.
Cụ thể, từ ngày 1/6, Viettel nâng gấp đôi dải gói cước trả sau lên mức tối thiểu 30Mbps còn băng thông tối đa có thể đạt tới vài trăm Mbps. Tương tự, Tập đoàn VNPT cũng ra thông báo khách hàng sử dụng dịch vụ Internet FiberVNN của VNPT được nâng gấp đôi tốc độ đường truyền.
Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - VinaPhone) được bình chọn là nhà mạng được khách hàng hài lòng nhất về Chất lượng Dịch vụ Băng thông rộng Di động năm 2019. (Ảnh: QH).
Tốc độ tối đa mà khách hàng của VNPT có thể trải nghiệm là gói dịch vụ lên tới 300Mbps. Tốc độ này đáp ứng nhu cầu sử dụng internet của đại gia đình, các hoạt động kinh doanh online, công ty quy mô lớn, đặc biệt hiệu quả khi cần đến video hội nghị, hoặc trong sự kiện có đông người tham dự.
VNPT hiện có khoảng 5,2 triệu thuê bao internet băng rộng phát sinh cước. Trong đó, dịch vụ FiberVNN chiếm 5 triệu thuê bao, tăng 27% so với năm 2017.
Có thể thấy, sau khi Viettel châm ngòi cạnh tranh bằng động thái nâng băng thông, VNPT cũng tăng tốc và không đứng ngoài cuộc chơi. Đáng chú ý, dù nâng băng thông thì cả VNPT và Viettel đều không tăng giá cước. Vì vậy, ngay lập tức, FPT Telecom bị khách hàng so sánh và phản ứng.
Một đại diện FPT Telecom cho biết, công ty rơi vào thế khó nhưng không có cách nào phân trần. Bởi quy hoạch này đã được lên kế hoạch từ trước, và được thực hiện theo lộ trình.
Thực tế, tăng tốc độ đường truyền dịch vụ internet là việc phải ưu tiên của các nhà mạng, để đưa Việt Nam tiến đến mục tiêu lọt vào top 10 nước dẫn đầu về chất lượng internet tại châu Á. Trước mắt, theo SpeedTest, Việt Nam hiện đứng thứ 72 trong bảng xếp hạng tốc độ internet cố định toàn thế giới. Muốn cải thiện thứ hạng này, Việt Nam phải nâng băng thông.
Các nhà mạng cũng cần nâng băng thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xem các video chất lượng, lưu trữ dữ liệu trực tuyến, streaming, livestream và tải tài liệu dung lượng lớn. Hiện tại, tốc độ kết nối internet trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6,7Mbps, theo số liệu từ M-Lab, thuộc Google. Nếu các hãng viễn thông có thể nâng băng thông lên mức tối thiểu 30Mbps thì Việt Nam sẽ tăng khả năng kết nối internet lên gấp 4-5 lần và vượt mức trung bình thế giới (9,1Mbps).
Nhưng so với nhiều nước, tốc độ này vẫn khiêm tốn. Cụ thể, tốc độ internet trung bình ở Singapore là 60Mbps, Thụy Điển là 46Mbps, Đan Mạch 43Mbps.
Cuộc đua mở rộng băng thông cũng là nền tảng của chuyển đổi số và kinh tế số mà Việt Nam đang định hướng phát triển. 5 năm trước, tỉ lệ thâm nhập internet của Đông Nam Á là 25%. Con số hiện tại là 63% - 415 triệu người Đông Nam Á truy cập internet, tăng từ mức 380 triệu trong năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn thấp so với mức hơn 90% tại Mỹ và châu Âu.
Năm 2018, Google và Temasek ước tính quy mô nền kinh tế internet của khu vực này sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2025, lên 240 tỉ USD so với mức 72 tỉ USD vào năm 2018. Dự báo đến năm 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỉ USD. Vì vậy, Việt Nam không thể chậm chân hơn trong việc chạy đua phát triển internet và băng thông rộng.
Viettel, VNPT có lợi thế hơn FPT Telecom khi là doanh nghiệp thuộc Nhà nước. Vì thế, đến tháng 5/2019, Viettel đã trở thành nhà cung cấp viễn thông có hạ tầng kết nối lớn nhất Việt Nam, với gần 350.000 km cáp quang và 6 tuyến kết nối quốc tế trực tiếp đến các hub internet lớn nhất toàn cầu (4 tuyến cáp biển và 2 tuyến kết nối đất liền), với tổng dung lượng 13Tbps và liên tục mở thêm kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp nội dung hàng đầu thế giới. Đây là những cơ sở để Viettel tự tin mang đến trải nghiệm tốt cho người dùng internet, kể cả khi xảy ra các sự cố cáp biển nghiêm trọng.
Về phần VNPT cũng có những đầu tư đáng kể khi chi 44 triệu USD (năm 2016) để giành quyền sử dụng tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất châu Á hiện nay là APG (Asia-Pacific Gateway). Tuyến cáp quang APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54Tbps.
Dự kiến đến năm 2020, VNPT sẽ có tổng cộng 6 tuyến cáp quang biển quốc tế và 3 tuyến cáp quang đất liền. VNPT cũng mở các hệ thống lưu trữ dữ liệu dung lượng lớn cho hệ thống máy chủ của Google, Facebook... Hệ thống này đã giúp VNPT cải thiện đáng kể tốc độ truy cập, vừa đảm bảo dịch vụ khi cáp quang biển quốc tế gặp sự cố.
Thực tế, theo số liệu từ SpeedTest, Viettel là mạng viễn thông chiếm vị trí dẫn đầu về tốc độ đường truyền suốt 3 năm gần đây. Tốc độ trung bình tải xuống/tải lên (download/upload) của Viettel là 28,22Mbps/13,56Mbps, tương đương với 26,21 điểm Speed Score theo tiêu chuẩn đo lường của công ty này. Tính ra, Viettel đạt chất lượng cao hơn Thái Lan (14,65), Philippines (14,98), Campuchia (22,91).
Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, nhận biết tốc độ đường truyền internet chủ yếu qua cảm nhận hơn là dùng công cụ đo lường (các phần mềm, SpeedTest) để kiểm tra. Mong muốn của khách hàng là truy cập internet nhanh, mượt, ổn định. Vì vậy, nhiều nhận định cho rằng tăng gấp đôi băng thông chỉ là một cách truyền thông từ các nhà mạng nếu không cải thiện được tốc độ internet quốc tế, đặc biệt là trong thời gian qua tại Việt Nam việc đứt cáp xảy ra khá thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo Công ty nghiên cứu BMI, người tiêu dùng thường ưu tiên chọn các công ty triển khai được những dịch vụ giá trị gia tăng kết nối băng thông rộng.
Đây có lẽ là lí do dù phải so kè với Viettel về hạ tầng, độ bao phủ nhưng nhờ tích hợp nhiều tiện ích trong gói dịch vụ mà VNPT vẫn đứng đầu về thị phần internet cáp quang, chiếm gần 50% thị phần.
Đối với FPT Telecom, nhờ dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt mà hãng luôn nằm trong top 3 nhà cung cấp dịch vụ internet cố định lớn nhất Việt Nam. FPT Telecom cũng tự tin sức mạnh về nội dung cho các thuê bao của mình sẽ giữ chân khách hàng và cũng là lợi thế để thu hút thuê bao mới.
Vị thế dẫn đầu thị phần của VNPT có thể bị lung lay khi Viettel, FPT Telecom luôn tìm cách vượt lên. Ngoài ra, thị trường internet cáp quang cũng ghi nhận sự hiện diện của những doanh nghiệp cùng ngành như VDC, NetNam, SPT, EVN Telecom, CMC...
Rõ ràng, cuộc đua tăng tốc độ internet và giữ giá cước là hình thức cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng nhưng lại hứa hẹn mang tới nhiều lợi ích cho người tiêu dùng