Cuộc chiến ngầm giữa hai kì lân Grab và Go-Jek với những 'gã khổng lồ' của Trung Quốc

Hai kì lân tại Đông Nam Á là Go-Jek (đến từ Indonesia) và Grab (đến từ Malaysia) đang trở thành đối thủ của Alibaba và Tencent - những ông lớn công nghệ của Trung Quốc trên cuộc chiến "siêu ứng dụng".

Thời đại bùng nổ của siêu ứng dụng

Ngay sau khi đến thăm người thân ở Trung Quốc vào năm 2017, nhà phát triển trò chơi Michael Xu đã quyết định bay nửa vòng trái đất từ Toronto - một lần nữa - để tìm hiểu cách xây dựng trò chơi trên ứng dụng WeChat của Trung Quốc.

"WeChat có tầm vóc rất lớn ở Trung Quốc," Xu nói với Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện thông qua chính WeChat. 

Người Canada gốc Hoa 28 tuổi này đã rất ấn tượng bởi cách người thân của anh ta sử dụng cùng phần mềm để làm mọi thứ, từ thanh toán hóa đơn, đặt món cho đến trò chuyện với bạn bè. "Ngay cả ông nội 88 tuổi của tôi cũng là người dùng WeChat," Xu chia sẻ. "Ông sử dụng nó để gọi cho tôi và chia sẻ hình ảnh hay bài viết mọi lúc".

Vì vậy, khi Xu quyết tâm tìm hiểu thị trường trò chơi điện tử Trung Quốc vào năm ngoái, với bước đầu tiên là tham gia khóa học lập trình WeChat tại Thượng Hải. 

"Tất cả mọi người ở Trung Quốc đã có mặt trên WeChat," Xu nói. "Một trong nhưng lí do đó là họ có thể chơi các trò chơi trên WeChat dễ dàng hơn nhiều, thay vì phải tải xuống một ứng dụng khác".

Câu chuyện của Xu được Nikkei miêu tả là "minh họa cho sức mạnh của WeChat, ứng dụng được điều hành bởi gã khổng lồ internet Tencent Holdings và sở hữu hơn 1,1 tỉ người dùng, chủ yếu là tại Trung Quốc.

https___s3-ap-northeast-1

Siêu ứng dụng đang là định nghĩa phổ biến trong giới công nghệ châu Á. (Ảnh: Nikkei).

Tờ Nikkei cũng minh họa: "Hãy tưởng tượng nếu Apple Pay, WhatsApp, Uber, Facebook, Expedia và một loạt các ứng dụng khác kết hợp vào làm 1, thì đó sẽ là WeChat". 

Thành công của ứng dụng này truyền cảm hứng cho các công ty trên khắp châu Á xây dựng các phần mềm cung cấp mọi dịch vụ cho khách hàng và tạo ra cơn bão: chạy đua "siêu ứng dụng" trong khu vực.

Có vô vàn các siêu ứng dụng tại châu Á và số lượng không ngừng gia tăng. Ngay tại những nơi xa xôi nhất châu lục, các phần mềm kiểu như vậy cũng có thể ra đời. Myanmar, đất nước mới chỉ biết đến Internet cách đây gần 2 thập kỉ, đã chấp nhận sử dụng Zalo - ứng dụng do Việt Nam phát triển. Với thị trường này, Zalo sẽ mang đến hai tiện ích nổi bật, bao gồm nhắn tin miễn phí cũng như mua sắm và thanh toán điện tử.

Tại Ấn Độ, Tập đoàn Reliance đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ sẽ giới thiệu một ứng dụng gồm 100 dịch vụ tích hợp.

"Siêu ứng dụng đã trở thành một mô hình kinh doanh mới nổi ở châu Á", Vishal Harnal, một đối tác chung của 500 Startups tại Singapore với quỹ đầu tư mạo hiểm đến Thung lũng Silicon, cho biết.

Thị trường ứng dụng trị giá hàng tỉ USD cũng đang có sức cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Riêng tại Trung Quốc, có hơn 4 triệu ứng dụng, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này. Các nhà phân tích cũng cho biết với các công ty, siêu ứng dụng dễ dàng thu hút người dùng hơn giữa một đại dương phần mềm.

Sự đi lên của hai kì lân Đông Nam Á

Hiện tượng này có thể bắt nguồn từ sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi đã phát triển giống khi smartphone ngày càng phổ biến. Có hàng triệu người tại các thị trường này đã không tiếp cận với laptop và chỉ dùng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng đó một cách thành thạo.

Go-Jek không đứng ngoài cuộc chơi này. 

Gã khổng lồ về ứng dụng của Indonesia đã cung cấp đa dạng các ứng dụng đáp ứng nhu cầu người dùng, từ đặt xe taxi/ xe mát, sử dung ví di động GoPay trả tiền bữa ăn hay các chuyến đi, đặt đồ ăn trên GoFood hay gửi tài liệu bằng GoSend. Thậm chí, tại đất nước vạn đảo, một số dịch vụ đặc biệt như đặt người dọn phòng, đặt chuyên gia massage hay kiểm tra tài khoản điện thoại đều được cung cấp với GoClean, Go Massage và GoPulsa.

https___s3-ap-northeast-1

Các tài xế Go-Jek đứng đợi mua đồ ăn hộ khách hàng. (Ảnh: Nikkei).

Ajey Gore, Giám đốc công nghệ của Go-Jek, trao đổi trong một hội nghị tại Hong Kong, rằng có khoảng 2,5 triệu người sử dụng nền tảng của công ty này và với 18 ứng dụng phát triển, "bạn có thể làm bất cứ điều gì".

Việc mang đến các dịch vụ trên cùng một nền tảng sẽ tiết kiệm chi phí, và giảm khả năng cạnh tranh của đối thủ.

Foodpanda, đơn vị cung cấp thực phẩm lớn đến từ Đức, đã phải dừng hoạt động tại Indonesia vào năm 2016, sau khi Go-Jek và Grab đều sở hữu các sản phẩm thay thế tiện ích hơn như GoFood hay GrabFood.

Đầu năm nay, Honestbee có trụ sở tại Singapore, cũng đã quyết định tạm dừng giao hàng thực phẩm để đánh giá lại chiến lược. Honestbee được cho là đang tìm cách bán lại hoạt động cho Grab hoặc Go-Jek.

Sự thống trị của WeChat và Alipay tại Trung Quốc

Tuy nhiên các nhà đầu tư tại Trung Quốc lại cho rằng, hai "kì lân công nghệ" này sẽ không thể đủ sức nếu đem lên bàn cân với những ứng dụng tại Trung Quốc.

"Dù sao họ cũng sẽ không thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh với WeChat và Alipay", một nhà đầu tư mạo hiểm tại Bắc Kinh cho biết. "Những người khổng lồ đã rất mạnh mẽ với quyền kiểm soát ở nhiều lĩnh vực, và họ đang ngày càng trở nên mạnh hơn".

https___s3-ap-northeast-1

Các siêu ứng dụng đang phổ biến tại thị trường Đông Nam Á. (Ảnh: Nikkei).

Người tiêu dùng, thường là tất cả, dù muốn hay không cũng buộc phải sử dụng một số siêu ứng dụng, vì nó quá tiện ích. Tại Hàng Châu, nơi sinh của Alipay, một số nhà hàng, quán cà phê và siêu thị chỉ chấp nhận dịch vụ thanh toán điện tử của ứng dụng này. Tương tự như vậy, rất ít người mang danh thiếp đến các hội nghị ở Trung Quốc - họ chỉ đơn giản "thêm bạn bè" trên WeChat.

Cứ 3 người Trung Quốc thì có 2 người sử dụng WeChat.

 "Ứng dụng này phổ biến đến mức nó trở thành tiện ích công cộng", Matthew Brennan, Giám đốc điều hành của China Channel - công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải, chuyên về tiếp thị dựa trên WeChat, chia sẻ.

"Giờ đây, nó đã trở thành những thứ cần thiết như điện thoại, nước, gas và điện trong nhà bạn," Brennan nói.

WeChat vẫn còn nhiều dư địa mở rộng. Tencent khiến cho các công ty và nhà phát triển phần mềm khó từ chối một lời đề nghị, đó là việc xây dựng một ứng dụng mini trên WeChat rẻ hơn và nhanh hơn một ứng dụng thông thường.

"Thường phải mất một tuần để xây dựng một ứng dụng bình thường với một đội ngũ đầy đủ", Dounan Hu, Giám đốc trường lập trình Thượng Hải Le Wagon, dạy các nhà phát triển xây dựng trong WeChat.

 "Nhưng với chương trình nhỏ, chỉ một hoặc hai người có thể làm điều đó trong một ngày".

https___s3-ap-northeast-1

Các ứng dụng của WeChat và Tencent đang được coi là một tiện ích công cộng. (Ảnh: Nikkei).

Người sáng lập Tencent - Pony Ma, cho biết 1 triệu ứng dụng mini đã được triển khai trên WeChat kể từ năm 2017. Alipay, dù mới chỉ cho phép phát triển ứng dụng mini trên nền tảng của mình vào năm ngoái, cũng đã sở hữu hơn 100.000 "phần mềm nhỏ" trong 4 tháng đầu tiên. Con số này tăng thêm 850 đơn vị mỗi ngày.

Jeffrey Towson, giáo sư đầu tư tại Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, đã ví các siêu ứng dụng với bất động sản có giá trị. "Mọi người đều phải sử dụng chúng. Chúng là một cánh cửa thần kì cho cuộc sống số của bạn".

Các siêu ứng dụng có bóp nghẹt sự cạnh tranh?

Vấn đề mà một số người tranh luận, là họ có thể đóng "cửa vào" những người khác. "Câu hỏi đặt ra là liệu các siêu ứng dụng có chấm dứt sự cạnh tranh giống như nhiều công ty khác đã làm hay không", Jason David, phó giáo sư khởi nghiệp tại Trường kinh doanh Insead ở Singapore, nói.

Cả Tencent và Alibaba vẫn cho phép bất cứ ai là một phần của hệ sinh thái ứng dụng nhỏ của họ và tính phí "gần như không đáng kể" từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số quy tắc bất thành văn. Ví dụ, các cửa hàng điện tử có mặt trên WeChat sẽ không thể thanh toán qua Alipay và ngược lại (WeChat thuộc Tencent, Alipay thuộc Alibaba).

Tencent gần đây cũng đã tìm đủ các lí do để chặn TikTok trên nền tảng của mình, và cáo buộc người sở hữu công ty này, là Zhang Yiming, tội phỉ báng.

Tuy nhiên, Hian Goh, nhà sáng lập ra Quỹ Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore, lại cho rằng những siêu ứng dụng không thể bóp nghẹt sự sáng tạo. "Khả năng cạnh tranh và phân phối của thế giới kĩ thuật số cởi mở hơn nhiều thế giới vật lí. Các nhà phát triển sẽ làm việc tích cực hơn nữa để tạo ra sự khác biệt".

Nhiều công ty đang cố gắng tạo ra sự độc lập với hai "ông lớn", là Tencent và Alibaba. Didi Chungxing - hãng gọi xe được coi là Uber của Trung Quốc - đã từ bỏ WeChat.

https___s3-ap-northeast-1

Sự đóng góp của các ứng dụng di động cho nền kinh tế đang ngày càng lớn. (Ảnh: GSM).

Brennan - nhà nghiên cứu siêu ứng dụng, cho rằng các công ty không muốn dựa vào hai "gã khổng lồ công nghệ" chứng minh họ dũng cảm và bản lĩnh. "Họ muốn người dùng truy cập trực tiếp thay vì qua một bên thứ 3. Nếu không, việc kinh doanh của họ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề".

Trở lại với Michael Xu, anh cho biết vẫn sẽ xây dựng các trò chơi mini trên WeChat. Tuy nhiên, nhà sản xuất game đến từ Canada vẫn có một kế hoạch dự phòng.

"Chúng tôi cũng sẽ cung cấp ứng dụng của mình trên Apple Store, Google Play và nhiều nền tảng khác", ông nói. "WeChat là một kênh tuyệt vời, nhưng chúng tôi sẽ không dựa vào nó".