Các em học sinh trong lớp tiếng Anh ở trung tâm giáo dục trẻ em Prop Roots. Ảnh: Prop Roots |
Thoạt nhìn, trung tâm giáo dục trẻ em Prop Roots ở làng Yingpan giáp biên Myanmar, không khác bất kỳ trường học nào khác. Tranh của học sinh được dán trên tường, những cuốn truyện cổ tích được xếp chồng khắp nơi. Lũ trẻ chạy nhảy khắp nơi, nhảy múa, cười đùa vui vẻ.
Nhưng quan sát kỹ, người ta sẽ thấy chúng trao đổi bằng một ngôn ngữ mà chỉ 100.000 người trên thế giới có thể hiểu được. Đằng sau những tiếng cười hồn nhiên ấy là góc khuất buồn tủi. Hầu hết các em đều xuất thân từ gia đình có cha mẹ nghiện ma túy. Cha mẹ của 1/4 trẻ ở trung tâm đã chết vì chất gây nghiện này, theo SCMP.
Ám ảnh
Nằm ở châu tự trị Đức Hoành thuộc tỉnh Vân Nam, trung tâm giáo dục Prop Roots và các ngôi làng xung quanh là tâm điểm của cuộc chiến chống ma túy ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Người dân Jingpo ở Đức Hoành phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về bản sắc, chạy đua trước một xã hội ngày càng hiện đại hóa trong khi đây là nơi cung cấp thuốc phiện quy mô lớn thứ hai trên thế giới. Nhằm ngăn chặn việc trẻ em sa ngã vào con đường nghiện ngập, các lớp học nhảy và khu vui chơi của trung tâm giáo dục đưa ra “vũ khí” mới để các học viên hướng tới: Hạnh phúc
“Tôi thường hỏi học sinh của mình: Ai không dùng ma túy?", Li Yang, đồng sáng lập trung tâm giáo dục Prop Roots, cho biết. "Câu trả lời là một người biết rõ ma túy nguy hiểm, nhưng quan trọng hơn, anh ấy là một người hạnh phúc”.
Nhưng đối với nhiều người Đức Hoành, hạnh phúc là một giấc mơ xa vời.
Những năm 1980, cải cách kinh tế Trung Quốc tạo điều kiện cho các tiểu thương qua lại dễ dàng giữa Đức Hoành và Myanmar. Họ không chỉ vận chuyển gỗ và cao su, mà còn chuyển lậu thuốc phiện và heroin.
Trong luận án thạc sĩ, Fu Guosheng, cựu sinh viên ngành nhân học tại Đại học Minzu (Bắc Kinh) và nay là một nghệ sĩ và nhân viên cứu trợ, cho hay, ma túy được người dân Đức Hoành coi là "quà" tiếp đãi khách. Cảnh người dân sử dụng ma túy ngay giữa phố không phải là hiếm.
Một thanh niên đang điều trị tại Trung tâm Cai nghiện Côn Minh ở tây nam tỉnh Vân Nam. Ảnh: Reuters |
Khi nhiều người nghiện tiêm chích ma túy, một số trường hợp nhiễm AIDS đầu tiên ở Trung Quốc được ghi nhận ở Đức Hoành vào năm 1989. Số liệu từ Trung Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cho thấy, số bệnh nhân AIDS tăng lên gần 22.000 người vào năm 2015. 30% trường hợp mới được ghi nhận trong năm đó liên quan đến ma túy.
Trong khi tình trạng nghiện ma túy và AIDS làm xáo trộn cuộc sống của các cộng đồng trong khu vực, nhiều người tin rằng cư dân Jingpo – trung tâm khủng hoảng buôn bán ma túy ở Trung Quốc – là những người bị ảnh hưởng lớn nhất. Ma túy đã “càn quét” toàn bộ các làng ở Đức Hoành.
Cảnh sát Trung Quốc hồi tháng hai thu giữ 330kg heroin sau cuộc đối đầu với những kẻ buôn ma túy ở Đức Hoành. Khẩu hiệu “nghiên cấm dùng ma túy, ngăn chặn sự lây lan dịch AIDS” xuất hiện khắp nơi.
“Một số người trong làng tôi nghiện ma túy, dù họ tận mắt thấy bạn bè và hàng xóm chết vì nó”, Li nói. Các loại thuốc phiện dễ mua và rẻ, chỉ 1 USD cho một lần sử dụng. Theo Li và nhiều người dân địa phương, việc hối thúc người dân thoát khỏi thực tế là vấn đề cốt lõi trong cuộc chiến xóa bỏ vấn nạn này.
"Cứu cánh" của những thanh thiếu niên suýt sa chân vào ma túy
Theo Zhang Wenyi, giảng viên môn nhân học tại Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu, sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các nhóm dân tộc và cư dân tỉnh thành lớn ở Trung Quốc khiến người dân Jingpo mất cân bằng, thậm chí tìm tới ma túy. Xung đột gia đình và tỷ lệ bỏ học cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều người sa vào vào con đường nghiện ngập.
“Rất nhiều thanh thiếu niên ở Đức Hoành không biết phải làm gì để kiếm sống khi kết quả học ở trường ở mức kém. Trung tâm Prop Roots đã mở ra cánh cửa để các em nhận ra những khả năng khác”, Li Weihua tại Đại học Vân Nam ở Côn Minh, nói.
Cựu luật sư Li Yang lần đầu tiên đến làng Yingpan vào năm 2009 cùng chồng là anh Anton Lustig, một nhà ngôn ngữ Hà Lan chuyên về Zaiwa. Ziwa là ngôn ngữ được hầu hết người dân Jingpo sử dụng.
Cặp vợ chồng thường xuyên tổ chức trại hè cho trẻ em ở trung tâm giáo dục. Năm 2010, sau khi dự trại hè ở Yingpan, hai người vội vã đến một thành phố gần đó để tham dự một lễ hội. Họ bị sốc khi thấy nhiều thanh thiếu niên vẫn ra đường lúc nửa đêm để hút thuốc, đánh nhau và sử dụng ma túy. Một số em còn say rượu và đua xe.
Li và chồng mất ngủ đêm đó. Họ trăn trở về tương lai của người Jingpo và quyết định giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống. Li và Lustig nghỉ việc tại Bắc Kinh, chuyển đến Đức Hoành và xây dựng trung tâm giáo dục phi lợi nhuận Prop Roots bằng tiền tiết kiệm. Hiện tại, cơ sở là trường học của khoảng 200 trẻ em Jingpo.
Sau giờ học và vào ngày cuối tuần, trẻ nhỏ ở Đức Hoành tới trung tâm Prop Roots để nghe Lustig kể truyện cổ tích bằng ngôn ngữ Zaiwa. Một số em chơi săn kho báu bằng gợi ý được viết bằng tiếng Anh, trong khi những thiếu niên khác học nhảy để tăng sự dẻo dai và giảm lo lắng.
Hai em học sinh ở trung tâm giáo dục trẻ em Prop Roots luyện điệu nhả phong cách đường phố. Ảnh: Prop Roots |
Với Muipuq Gamnui, 18 tuổi, học nhảy đã “cứu” em sa vào nhóm nghiện ma túy. Ở ngôi làng của Muipuq, cứ 10 thanh niên thì 9 người dính ma túy.
Cha mẹ của Muipuq tìm mọi cách không cho con trai ra ngoài đường vì sợ sa ngã, nhưng bất thành. Căng thẳng và giận dỗi, Muipuq lao vào các cuộc ẩu đả đường phố và chỉ dừng lại khi được giới thiệu tới học nhảy ở trung tâm Prop Roots năm 2014. Kể từ đó, Muipuq cùng với 11 bạn khác dành nhiều thời gian học nhảy ở trung tâm.
Năm ngoái, nhóm của Muipuq được mời tham gia Munau, lễ hội quan trọng nhất của người Jingpo. "Chúng em rất vui khi nhận được lời mời. Một số người dân làng nói họ ghen tị”, Muipuq nhớ lại và cười."Khiêu vũ đã thay đổi chúng em rất nhiều. Giờ chúng em đã có mục tiêu chocuộc đời”.
Một số bạn trong nhóm muốn trở thành Michael Jackson của Trung Quốc, có em muốn làm huấn luyện viên thể hình trong tương lai.
Trái lại, những người bạn khác lại sa ngã vào con đường ma túy và đang cai nghiện ở trong trung tâm. “Nếu không học nhảy, có thể em cũng sa vào con đường ấy”, Muipuq nói.