Cuộc đối đầu kịch tính giữa Trump và giới tinh hoa tại Davos

Trump có thể gặp khó tại Davos khi phải xuất hiện trước giới tinh hoa chưa từng chào đón ông, đồng thời mang thông điệp về chủ nghĩa bảo hộ đến một nơi đại diện cho toàn cầu hóa.

Bằng cách nào chăng nữa thì Donald Trump cũng đã kiếm được rất nhiều tiền, có thể không tới mức như ông thường khoe, song vẫn là gia tài đáng kể.

Ông vẫn luôn khao khát được gia nhập vào nơi đó, giới tinh hoa mà ông vừa ngưỡng mộ vừa khó chịu.

Cho nên khi Tổng thống Trump đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Davos để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới, nơi các ông lớn tài chính xuất hiện cùng các lãnh đạo quốc gia trong "bữa đại tiệc" của giới tinh hoa toàn cầu, ông có thể sẽ xem đây như là thời khắc quyết định việc mình có được công nhận hay không.

Cuộc chạm trán kịch tính tại Davos

Khi đơn thuần chỉ là doanh nhân, tỷ phú New York chưa bao giờ được mời tới Davos.

Nhưng ngày 26/1 này, Trump sẽ tới hội nghị với tư cách lãnh đạo Mỹ, siêu cường mạnh nhất thế giới vốn luôn là tâm điểm chú ý. Dù thế nào chăng nữa, giờ đây ông sẽ không còn bị thờ ơ.

"Một phần trong ông ấy là sự bực tức âm ỉ từ lâu (với giới tinh hoa). Một phần, Trump sẽ vui sướng với thực tế giờ đây chính ông, chứ không phải ai khác, là tổng thống Mỹ", Michael D’Antonio, một người viết tiểu sử về Donald Trump, cho biết.

"Vì Trump có xu hướng nói ra hay tweet về bất kỳ điều gì mà ông đang nghĩ đến, có thể chúng ta sẽ thấy ông ấy lúc thì tỏ ra khó chịu, lúc thì hoan hỉ đắc thắng.

Thậm chí chúng ta có thể thấy ông ấy bối rối giữa cả hai trạng thái, không biết mình nên vui hay nên bực".

cuoc doi dau kich tinh giua trump va gioi tinh hoa tai davos

Ông Trump sẽ mang thông điệp về "nước Mỹ trên hết", chủ nghĩa dân túy đến Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, một nơi đại diện cho toàn cầu hóa. Ảnh: New York Times.

Quyết định tham dự diễn đàn Davos lần này của Trump là điều mà các tổng thống Mỹ thường tránh, bởi vì họ không muốn bị lúng túng trong bữa tiệc hào nhoáng của giới tinh hoa.

Tuy nhiên, việc tổng thống Mỹ đến Davos tạo cơ hội cho cuộc chạm trán kịch tính nhất trong một năm nhiệm kỳ của ông.

Cuối cùng thì Trump cũng xuất hiện ở "câu lạc bộ" mà ông chưa từng được chào đón.

Không chỉ thế, ông còn mang thông điệp về chủ nghĩa bảo hộ, về "nước Mỹ trên hết" tới một nơi đại diện cho toàn cầu hóa.

Tại đây, Tổng thống Trump phát biểu trước những người mà ông xem là nhân vật phản diện theo góc nhìn chính trị của mình.

Rời Washington tối 24/1 (giờ địa phương), ông Trump sẽ ở Davos chỉ một đêm.

Theo dự kiến, Trump sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May, người ông từng đấu khẩu gay gắt về việc ông chia sẻ video chống người Hồi giáo từ một đảng cực hữu ở Anh.

Trump cũng sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người ông có quan hệ tốt hơn.

Trong lịch trình, tổng thống Mỹ dự cuộc chiêu đãi các nhà lãnh đạo thế giới và mở tiệc tối mời các doanh nhân hàng đầu châu Âu.

7 bộ trưởng trong nội các, bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, dự kiến tới diễn đàn Davos.

Thông điệp "nước Mỹ trên hết" và thương mại công bằng

Ông chủ Nhà Trắng mới đây tỏ dấu hiệu cho thấy sự tham dự của ông tại diễn đàn Davos có thể sẽ gây khó xử và căng thẳng, bằng cách áp thuế lên các mặt hàng pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu.

Đây được cho là một động thái nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa của Tổng thống Trump ngay trước khi đi dự hội nghị.

"Tôi sẽ đến Davos", ông Trump nói sau khi ký sắc lệnh. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nói về việc đầu tư vào Mỹ, vì những người muốn đến và chi tiền cho hàng hóa chất lượng lâu năm của Mỹ".

Thay vì quảng bá về sự lợi ích của việc giảm bớt các rào cản kinh tế, ông Trump sẽ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Mỹ và tìm kiếm đầu tư nước ngoài.

"Ngài tổng thống sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh kinh tế công bằng và sẽ làm rõ rằng không thể có thương mại mở và tự do nếu các nước không tuân thủ các quy tắc", cố vấn kinh tế của Trump, Gary D. Cohn, nói. "Như tổng thống đã nhiều lần tuyên bố, nước Mỹ và chính quyền của ông ủng hộ thương mại tự do và mở cửa, nhưng nó cần phải công bằng và có đi có lại".

cuoc doi dau kich tinh giua trump va gioi tinh hoa tai davos

Việc ông Trump sẽ chuyển tải thông điệp "nước Mỹ trên hết" như thế nào là mối quan tâm lớn của diễn đàn Davos. Ảnh: AP.

Thông điệp của Trump sẽ rất đáng chú ý tại Davos vì sự khác biệt với các lãnh đạo khác. Trong diễn văn khai mạc diễn đàn hôm 23/1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa.

Sau đó cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Canada và 10 quốc gia Thái Bình Dương đã hoàn tất đàm phán thỏa thuận thương mại tự do mà không có Mỹ.

Ngoài ra, việc ông Trump sẽ chuyển tải thông điệp như thế nào cũng là mối quan tâm lớn của diễn đàn vào thời điểm này. Liệu ông sẽ tỏ ra đắc chí trước giới tinh hoa hay là cho họ một bài giảng về thương mại, hay ông sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của họ?

"Ông ta sẽ không lên sân khấu Davos và chỉ trích họ", Anne-Marie Slaughter, chủ tịch New America, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, dự đoán. Bà cũng từng là giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama.

"Trump là người biết ứng xử linh hoạt. Ông ấy sẽ điều chỉnh hoàn toàn thông điệp của mình để cho phù hợp với đám đông. Mặt khác, những gì ông ấy viết trên Twitter chắc chắn sẽ rất khác biệt", Slaughter nhận định.

Diễn đàn Davos cần Trump

Không tổng thống Mỹ nào dự Davos ngoại trừ Bill Clinton vào năm 2000. Nhiều người cảm thấy khó hiểu tại sao Trump, người tự cho mình là một tỷ phú theo chủ nghĩa dân túy, lại quyết định tham gia sự kiện này.

"Thật thú vị khi ông ấy lại muốn đi", Karen Donfried, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Obama, hiện là chủ tịch Quỹ German Marshall, một nhóm nghiên cứu xuyên Đại Tây Dương của Mỹ, cho biết. "Có thể ông ấy nghĩ mình sẽ gặp những người giống mình, các doanh nhân. Nhưng thực ra phát biểu của ông thì lại đứng về phía còn lại".

Chắc chắn nhiều người trong nhóm 1% (những người giàu nhất nước Mỹ) ở Davos phải cảm ơn Trump về các đạo luật cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, người giàu mà ông đã giúp thúc đẩy để Quốc hội thông qua hồi tháng 12.

Nhưng trên phương diện cá nhân, họ xem Trump là lãnh đạo khó đoán của thế giới. Họ không vui trước nỗ lực xây tường biên giới và chống nhập cư, thương mại tự do của Trump.

"Liệu các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp ở Davos có tâng bốc Trump để được ông ủng hộ, hay sẽ thờ ơ với tổng thống Mỹ vì họ ngày càng không thích phong cách lãnh đạo của ông?", David J. Kram, cựu quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời George W. Bush, đặt câu hỏi.

cuoc doi dau kich tinh giua trump va gioi tinh hoa tai davos

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 diễn ra từ ngày 23-26/1 tại Davos, Thụy Sĩ với chủ đề "Tạo dựng tương lai chung trong thế giới đang chia rẽ". Ảnh: Wall Street Journal.

Trump được xem như vị tổng thống đã làm xập xệ trật tự quốc tế tự do mà Davos đại diện.

Trong năm đầu nhiệm kỳ, ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đe dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada, cũng như dọa bỏ rơi một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc nếu các thỏa thuận này không được đàm phán lại theo ý muốn của ông.

Trump đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc và tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris mà các quốc gia khác trên thế giới đều là thành viên.

Ông cũng làm phật lòng các nước châu Phi khi gọi đó là những "quốc gia dơ bẩn" trong cuộc họp về chính sách nhập cư với các nghị sĩ.

Một lần khác, Trump nói người Nigeria đến Mỹ không muốn "quay trở lại những túp lều của họ" ở quê nhà.

Tại Davos năm nay, ít nhất 10 lãnh đạo quốc gia, chính phủ từ châu Phi dự kiến tham dự Davos, và ông Trump sẽ gặp Tổng thống Rwanda Paul Kagame, chủ tịch Liên minh châu Phi.

Tuy nhiên, những người đến Davos ít khi nghe được những phàn nàn về toàn cầu hóa được thể hiện theo cách đầy xúc cảm.

Một số nhà phân tích nói rằng thông điệp của Trump có thể là lời nhắc nhở mạnh mẽ với giới tinh hoa rằng thương mại có những tác động thực tế đối với những người bình dân.

"Điều quan trọng đối với tầng lớp thượng lưu ở Davos là lắng nghe từ vị tổng thống dân túy. Dù bản thân là một doanh nhân tỷ phú, nhưng ông có khả năng tốt hơn họ trong việc hiểu người dân thường ở Mỹ, và có thể cả ở những nước khác, thực sự cần gì", Peter Van Praagh, chủ tịch Diễn dàn An ninh quốc tế Halifax, nói.

"Tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ mang đến Davos một thông điệp đối với giới doanh nhân thượng lưu và giới tinh hoa chính trị về những gì mà ông đã học được khi còn là ứng viên và trong năm đầu nhiệm kỳ.

Đó là: Khiến mọi người tin vào tính thực tế của các vấn đề là con đường dẫn đến thành công", ông Praagh nói thêm.

Praagh cho rằng những đại diện ở Davos sẽ học được nhiều từ Trump, nhưng liệu họ có nghe ông hay không lại là chuyện khác.

Cũng chưa thể biết được họ liệu sẽ nhìn nhận tổng thống Mỹ như là sứ giả tin cậy của nhóm 99% (những người bình thường còn lại) hay là một người mong mỏi nhập hội với giới tinh hoa.

cuoc doi dau kich tinh giua trump va gioi tinh hoa tai davos Trump đổi ý, chấp nhận thẩm vấn về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử

Nửa tháng sau khi từ chối cuộc thẩm vấn với nhóm điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử 2016 của cố vấn đặc ...

chọn
Hai luật lớn về bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm nửa năm.