Doanh nghiệp đẩy mạnh gia tăng quỹ đất
Báo cáo phân tích về phân khúc bất động sản khu công nghiệp (KCN) mới đây của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho thấy, việc gia tăng nhu cầu thuê đất tại các KCN thời gian qua đã kéo theo cuộc đua mở rộng quỹ đất của các nhà phát triển KCN.
Đơn cử như vừa qua, CTCP Phát triển Công nghiệp BW (liên doanh Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus LLC - Mỹ) đã nâng tổng diện tích quỹ đất công nghiệp lên 500 ha tại 10 địa điểm ở các thành phố lớn từ 209 ha trong nửa đầu năm 2018.
Về phía Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC), doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào các công ty con là CTCP Đầu tư Phát triển KCN Vinhomes (VHIZ).
Hai dự án đầu tiên của Vingroup sẽ phát triển tại Hải Phòng, bao gồm KCN Nam Tràng Cát 200 ha và KCN Thủy Nguyên 319 ha, dự kiến đi vào hoạt động năm 2021.
Bên cạnh đó, trong quý IV/2021, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh quy mô 238 ha của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) sẽ được ra mắt, dự báo mang lại nguồn cung lớn tại Bắc Ninh.
Cũng trong quý IV/2021, TNI Holdings Việt Nam sẽ khai trương KCN Sông Lô 1 với diện tích 177 ha tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại Long An, CTCP TIZCO và CTCP Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào KCN Việt Phát với tổng diện tích 1.800 ha vào năm 2021.
Ngoài ra, các nhà phát triển kho vận toàn cầu cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường KCN. Logos Property từ Úc đầu tư vào Việt Nam thông qua một liên doanh (JV) phát triển logistics trị giá 350 triệu USD.
GLP, nhà phát triển kho lớn nhất ở châu Á, đang lên kế hoạch liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD với SEA Logistics Partners (SLP). Công ty Mirae Asset Daewoo Co và Tập đoàn Naver của Hàn Quốc cũng hợp tác đầu tư 37 triệu USD vào trung tâm logistics LogisValley tại tỉnh Bắc Ninh.
Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN đã tăng mạnh, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn khu vực công nghiệp trọng điểm.
Theo thống kê của Mirae Asset, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đạt 88% ở TP HCM, 99% ở Bình Dương, 94% ở Đồng Nai, 84% ở Long An.
Ở phía Bắc, tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.
Mirae Asset cho rằng, về dài hạn, nguồn cung đất công nghiệp tại các khu vực này dự kiến sẽ suy giảm do chính sách thu hẹp phạm vi và di dời nhà máy ra khỏi thành phố của chính quyền.
Trong bối cảnh đó, các công ty phát triển công nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất ở những thị trường mới như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình ở khu vực phía Bắc và Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam.
Theo Mirae Asset, quỹ đất sẵn sàng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn như KBC, IDC, D2D không còn nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất trong năm 2021.
Trong đó, Becamex IDC hiện đang nắm 1.274 ha diện tích đất khu dân cư và 2.403 ha quỹ đất KCN.
Từ năm 2018 đến nay, BCM đã triển khai nhiều dự án KCN mới thông qua các liên doanh VSIP và BW. Tính theo tỷ lệ góp vốn, quỹ đất tiềm năng của BCM trong năm 2021 dự kiến rơi vào khoảng 1.575 ha.
Về phía IDC, doanh nghiệp này hiện đang quản lý và vận hành 17 dự án KCN trên cả nước với diện tích 7.000 ha, trong đó có 495 ha quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại KCN Phú Mỹ II, KCN Phú Mỹ mở rộng và KCN Quế Võ II.
Trong năm 2021, IDC sẽ có thêm quỹ đất thương phẩm 398 ha từ dự án KCN Hựu Thạnh – Long An. Dự án này đã được khởi công hồi tháng 6 vừa qua.
Một ông lớn khác là KBC, tính đến hết năm 2019 đã tạo lập quỹ đất KCN là 5.278 ha (chiếm gần 5,5% diện tích đất KCN trên cả nước) và 938,6 ha đất khu đô thị. Theo dự kiến, KBC sẽ phát triển thêm 238 ha trong năm 2021.
Đối với SZC, doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ đất KCN khoảng 1.556 ha với tỷ lệ lấp đầy trung bình 33%, trong đó có quỹ đất thương phẩm hơn 759 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẵn sàng cho thuê và 380 ha phát triển trong năm sau.