Cuộc gặp định mệnh giữa ông Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm

Sau cuộc gặp gỡ đó, ông Đinh La Thăng đã gật đầu để PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank mà không cần lấy ý kiến của thành viên HĐQT...

Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thực hiện các thủ tục để thành lập Ban trù bị ngân hàng TMCP Hồng Việt. Tuy nhiên đến tháng 7/2008, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVN đã thực hiện thủ tục rút vốn, không tiếp tục tham gia góp vốn thành lập ngân hàng Hồng Việt.

Thời điểm đó, Hà Văn Thắm mua lại cổ phần ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng, làm thủ tục đổi tên thành ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT.

Oceanbank khi đó là ngân hàng có quy mô nhỏ, hoạt động nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính yếu, khả năng thanh khoản thấp, khó đứng vững trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động, cần phải huy động vốn để cân đối nguồn sử dụng.

cuoc gap dinh menh giua ong dinh la thang va ha van tham

Ông Đinh La Thăng

Đúng lúc đó, Nguyễn Xuân Sơn (khi đó là TGĐ công ty cổ phần Tài chính Dầu khí, Trưởng Ban trù bị ngân hàng TMCP Hồng Việt) và Hà Văn Thắm có cuộc gặp gỡ trao đổi, bàn bạc về việc đàm phán để PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank. Đó là thời điểm tháng 9/2008.

Như "chết đuối vớ được cọc", Hà Văn Thắm đã đồng ý với đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn khi nhận ra PVN là đơn vị có tiềm lực kinh tế, có nhiều nguồn vốn nhàn rỗi.

Trung tuần tháng 9/2008, Thắm được Sơn mời đến trụ sở PVN để gặp gỡ, làm việc với ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐQT PVN), Nguyễn Ngọc Sự (Phó TGĐ PVN) và Nguyễn Mạnh Hà (chuyên viên Ban trù bị ngân hàng Hồng Việt).

Tại cuộc gặp này, hai bên thống nhất thỏa thuận PVN tham gia góp vốn khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008, bằng hình thức PVN góp 20% vốn điều lệ, và các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập ngân hàng Hồng Việt là 10% vốn điều lệ Oceanbank.

Theo thỏa thuận, Oceanbank sẽ tiếp nhận số cổ đông này về làm việc và tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt đầu tư, mua sắm.

Phớt lờ rủi ro

Căn cứ vào kết quả làm việc với đại diện Oceanbank, ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự đã ký văn bản gửi ông Đinh La Thăng báo cáo kết quả đàm phán với Hà Văn Thắm, kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank.

Văn bản này có nêu: "... Nhìn tổng thể đến 31/3/2008, Oceanbank là ngân hàng quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, ... trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng... Oceanbank thuộc nhóm tổ chức tín dụng có xếp hạng trung bình khá trong số các ngân hàng thương mại cổ phần".

Được báo cáo là vậy, nhưng cùng ngày hôm đó, dù không tổ chức họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm để PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank.

Sau khi thỏa thuận được ký giữa PVN và Oceanbank, ngày 29/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự ký tiếp văn bản gửi HĐQT, trong đó nêu: "Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ (tổng tài sản đến tháng 6/2008 là hơn 10 ngàn tỷ), Trong quý II/2008, Oceanbank không tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, mặc dù các khoản vay dưới chuẩn vẫn gia tăng... Oceanbank đang đứng trước bài toán nặng nề nhất về khả năng đứng vững và có thể phát triển trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ đang có nhiều biến động, cạnh tranh khốc liệt ở một tương lai rất gần, khi khả năng thanh khoản kém, vốn và tiềm lực tài chính thấp, chất lượng tài sản thấp...".

Ngày hôm sau, trong một cuộc họp HĐQT PVN do ông Đinh La Thăng chủ trì, các thành viên HĐQT lúc này mới được biết việc PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank và ông Đinh La Thăng thậm chí đã ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm.

Sau các đợt góp vốn, PVN đã góp vào Oceanbank 800 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ. Trong khi đó, tại thời điểm ngày 1/1/2011, luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...".

Điều đáng nói, các nghị quyết góp vốn đợt 1 và đợt 2, PVN ban hành trước khi Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng có ý kiến. Riêng đối với đợt 3, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành không nhận được báo cáo, xin ý kiến của PVN về việc góp vốn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.