Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2020 do Hiệp hội TMĐT (VECOM) phát hành khẳng định các chỉ số ngành đều tăng trưởng với tốc độ tương đối ổn trong vài năm gần đây. Qui mô thị trường thương mại điện tử năm 2019 đạt 10,08 tỉ USD.
Trước đó, tại diễn đàn “Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020”, VECOM dự đoán qui mô thị trường sẽ chạm và vượt mốc 15 tỉ USD.
Số lượng người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 30,3 triệu người năm 2015 lên 44,8 triệu người. Tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng tăng nhanh - từ 2,8% lên 4,9% chỉ sau 4 năm.
Người dân cũng sẵn sàng chi tiền để mua sắm qua mạng hơn. Năm 2015, trung bình mỗi người tiêu dùng bỏ ra 160 USD/năm để mua hàng trực tuyến. Con số đó tăng lên 225 USD/năm vào năm 2019. Theo số liệu năm gần nhất (năm 2019), 77% người dùng internet Việt Nam mua trực tuyến ít nhất một lần trong năm.
Trong số các hình thức mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đang là một kênh rất tiềm năng. Cụ thể, 52% người mua hàng trực tuyến mua qua website thương mại điện tử và 57% mua qua ứng dụng thương mại điện tử di động.
Dù vậy, thanh toán điện tử vẫn gặp nhiều trở ngại với thanh toán trực tuyến. Dù thời gian gần đây, các phương thức thanh toán di động dần trở nên phổ biến (ví điện tử, internet banking, thẻ cào), nhưng 86% số người mua hàng trực tuyến từng sử dụng phương thức COD (ứng tiền) để thanh toán.
Tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia xác nhận 90% các đơn hàng qua nền tảng thương mại điện tử chọn thanh toán bằng hình thức COD.
Với người tiêu dùng Việt Nam, nhóm sản phẩm hấp dẫn nhất với người tiêu dùng là dịch vụ spa/làm đẹp và nhạc/video/DVD/game. 45% số người mua hàng trực tuyến từng mua hàng thuộc về nhóm sản phẩm/dịch vụ này, theo Sách trắng thương mại điện tử.
Vị trí tiếp theo thuộc về dịch vụ tư vấn đào tạo trực tuyến với tỉ lệ 38% người mua hàng trực tuyến từng chọn. Nhóm sản phẩm, dịch vụ đặt chỗ khách sạn, tour du lịch; vé máy bay, tàu hỏa, ô tô; sách, văn phòng phẩm, quà tặng lần lượt xếp kế tiếp với tỉ trọng 28%-29%.
Ngoài ra, điều hấp dẫn nhất đối với một khách hàng khi lựa chọn nền tảng mua sắm trực tuyến là thiết kế của website/ứng dụng bán hàng. 87% người mua hàng online quan tâm tới yếu tố đó. Chính sách bảo mật thông tin khách hàng chỉ xếp thứ hai, với tỉ lệ 86%. Yếu tố giá cả xếp cuối cùng, với chỉ 13% người mua sắm trực tuyến quan tâm.
Yếu tố lớn nhất khiến người tiêu dùng lựa chọn một website/ứng dụng để mua hàng qua mạng là bạn bè, người thân giới thiệu trực tiếp (67%). Xem bình luận, đánh giá trên mạng (56%) và xem quảng cáo (30%) lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo.
Tỉ lệ người từng mua sắm online trên các nền tảng,website nước ngoài cũng giảm từ 36% (2018) xuống 30% (2019).
Mặc dù mua sắm trực tuyến đã trở nên tiện lợi hơn trong thời gian gần đây, nhưng nhiều rào cản vẫn tồn tại. Điều đáng lo ngại nhất đối với người tiêu dùng là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo (72%), thông tin cá nhân bị tiết lộ (58%), giá cả không rõ ràng (42%).
Yếu tố thanh toán phức tạp là một trong những trở ngại "ít đáng lo" nhất với người tiêu dùng Việt Nam bởi chỉ 12% người mua hàng trên mạng cho rằng đây là một rào cản. Và trên thực tế, do cách thức thanh toán COD (thu tiền khi giao hàng) đang phổ biến, người tiêu dùng gần như không sợ "bị lừa" khi nhận hàng.
Ở chiều ngược lại, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa từng mua sắm trực tuyến. Lí do lớn nhất chính là "mua sắm ở cửa hàng thuận tiện hơn" (55%). Khó kiểm định hàng cũng là một yếu tố khiến người tiêu dùng lựa chọn mua sắm offline (47%). Cách thức đặt hàng trực tuyến rắc rối (11%) không phải là rào cản quá lớn với người tiêu dùng Việt.