Luật Đất đai năm 2013 là một trong những luật có phạm vi bao trùm lớn nhất và liên quan đến đời sống của hầu hết người dân. Sau nhiều năm thực hiện, Luật Đất đai đã có nhiều điểm bất cập. Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 10, cử tri nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều đề nghị sửa Luật Đất đai, đặc biệt các điều khoản liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng...
Trong kỳ họp thứ 11, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhắc lại “món nợ” sửa đổi Luật Đất đai khi đánh giá lại hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng trong thời gian qua tình trạng buông lỏng quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra khá phổ biến và kéo dài. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng, khiếu kiện đất đai dai dẳng là do những quy định, cơ chế chính sách.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, nhận thức được những bất cập của Luật Đất đai, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Tuy nhiên, đến hết nhiệm kỳ Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Đất đai.
Bà Thuý cũng nhấn mạnh theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương hiện nay vẫn thiếu minh bạch. Việc không thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đất đai về công khai thông tin đã dẫn đến những rủi ro mà người dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Dẫn chứng vụ việc công ty Alibaba lừa đảo người dân mua các “dự án ma,”đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý cho biết công ty này đã mua lại các khu đất lớn, bất chấp khu đất đó mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang... Sau đó, Alibaba cho san ủi hạ tầng, phân lô dự án đất nền bán cho hàng nghìn khách hàng.
“Nếu hệ thống thông tin đất đai mà tốt thì người dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra rõ ngay về pháp lý. Ở các nước, bản đồ địa chính đã công khai từ lâu, người dân đến cơ quan chức năng là xem được thông tin,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nói.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khẳng định Luật Đất đai là một luật có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân và khó khăn là phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đặc biệt, đây là vấn đề “nóng bỏng” khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai.
“Tôi cho rằng nguyên nhân thiếu kiện một phần là do pháp luật. Cử tri đã phản ánh rất nhiều nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khóa tới cần quan tâm có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện các giải pháp mà được nêu trong báo cáo, để khắc phục được hạn chế này, nhất là đối với Luật Đất đai, tôi hy vọng rằng sẽ không có tên trong danh sách xin lùi thời gian trình sửa luật,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ nỗ lực trình dự thảo sửa đổi Luật Đất đai vì luật này đang có nhiều vấn đề chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Mặc dù chưa trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV nhưng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 sẽ được Chính phủ hoàn thành vào năm 2022 và trình Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý bày tỏ mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này và cho rằng việc thực thi pháp luật kém cũng có trách nhiệm của Quốc hội, hội đồng nhân dân, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các cấp.
Trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng Đền án tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013; xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.
Năm 2020, Chính phủ sẽ hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013; xây dựng Chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...