Clip: Công trường khai thác cát bất thường trên sông Lô.
Hơn một năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam) đã tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường (trong đó có khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển).
Sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc đã giúp hoạt động khai thác cát, sỏi dần dần đi vào quy củ, tình trạng khai thác trái phép đã giảm đi rõ rệt.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng vẫn nhận định, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, sai phép vẫn có diễn biến phức tạp.
Theo nguồn tin của chúng tôi, thời gian gần đây, MTTQ Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều cử tri tại tỉnh Phú Thọ về việc hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép có dấu hiệu xảy ra tại một số địa điểm trên địa bàn.
Trước thông tin này, chúng tôi đã di chuyển qua một số tuyến sông thuộc tỉnh Phú Thọ và các đoạn sông giáp ranh giữa Phú Thọ với các tỉnh thành khác để tìm hiểu về hoạt động khai thác cát, sỏi.
Một phần "công trường khai thác" cát trên sông Lô. |
Sáng 18/5, chúng tôi di chuyển trên Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, theo hướng từ Vĩnh Phúc tới Phú Thọ. Khi tới cầu Sông Lô (nối tỉnh Vĩnh Phúc với Phú Thọ), chúng tôi nhận thấy một nhóm phương tiện rất đông đúc có dấu hiệu khai thác cát ở giữa sông Lô.
Vị trí các phương tiện này tập kết chỉ cách cầu Sông Lô khoảng 1 km, cách Bến phà Then (nối xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, Phú Thọ với xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) chưa tới 100m.
Rời cao tốc, di chuyển theo đê Việt Trì để tới xã Tử Đà, từ bờ sông thuộc xã Tử Đà, chúng tôi nhận thấy một đoạn dài đất đai ở hai bên bờ sông đã bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành những vực sâu thẳng đứng.
Tại đây, chúng tôi cũng có thể thấy rõ khoảng 30 phương tiện đang rầm rộ khai thác cát ở giữa sông Lô.
Các phương tiện này bao gồm tàu cuốc, tàu chở hàng, máy xúc đặt trên các thiết bị nổi, thiết bị nổi chứa cát sỏi (giống như xà lan). Đối với các tàu chở hàng thì đây phần lớn là các tàu hạng nặng, có nhiều tàu là loại lên tới 1000 m3.
Nhóm phương tiện nói trên tổ chức khai thác cát rất "chuyên nghiệp". Cụ thể, các tàu chở hàng hạng nặng đỗ thành một lớp bên ngoài, tiếp đó là các thiết bị nổi chở cát và thiết bị nổi chở máy xúc.
Nếu chỉ nhìn qua, nhiều người sẽ lầm tưởng nhóm phương tiện này chỉ đang hoạt động chuyển cát sẵn có từ các thiết bị nổi sang các tàu chở hàng chứ không có hoạt động khai thác diễn ra.
Tuy nhiên, quan sát kỹ, chúng tôi phát hiện, ẩn hiện phía sau các thiết bị nổi và tàu chở hàng hạng nặng là rất nhiều tàu cuốc đang "gầm rú" cuốc cát vàng từ lòng sông Lô.
Một chiếc tàu cuốc đang khai thác cát. |
Đây là những tàu cuốc được thiết kế khá thấp, chỉ cao hơn các tàu chở hàng hạng nặng một chút. Vì vậy, nếu được các tàu chở hàng hạng nặng "vây" xung quanh, đứng từ bờ sông sẽ rất khó quan sát thấy các tàu cuốc này.
Theo một số người dân địa phương, vị trí nhóm phương tiện nói trên đang khai thác cát là thuộc xã Tử Đà. Nhận thấy có nhiều điểm bất thường, chúng tôi đã tìm tới trụ sở UBND xã Tử Đà để tìm hiểu về hoạt động khai thác cát của nhóm phương tiện này.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Hà Kế Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà khẳng định, trên địa bàn xã này hiện tại không có bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động khai thác cát, sỏi.
“Hiện tại trên địa bàn chỉ có Công ty Thái Sơn được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên thời gian gần đây, họ cũng tạm dừng việc khai thác. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và không thấy có hoạt động bất thường tại đây”, ông Tài nói.
Khi chúng tôi phản ánh rằng, tận mắt chúng tôi chứng kiến hàng chục phương tiện đang khai thác cát như đã nói ở trên, ông Tài đã chỉ đạo lực lượng Công an xã ra hiện trường kiểm tra.
Đồng thời, ông Tài cũng gọi điện cho một người được cho là đại diện của Công ty Thái Sơn để hỏi về việc doanh nghiệp này có hoạt động khai thác cát nữa hay không.
Kết thúc cuộc điện thoại, ông Tài cho chúng tôi biết, đại diện phía Công ty Thái Sơn khẳng định không có phương tiện nào của doanh nghiệp này còn hoạt động khai thác cát trên địa bàn.
Đất đai hai bên bờ sông nơi có đại công trường khai thác cát đã bị sạt lở thành những vực sâu thẳng đứng. |
Để chứng minh thông tin mình cung cấp là chính xác, ngay sau đó, ông Hà Kế Tài đã trực tiếp cùng chúng tôi ra bờ sông nơi mà chúng tôi phản ánh có nhóm phương tiện đang khai thác cát.
Khi nhìn thấy nhóm phương tiện này, Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà cho rằng, đó chỉ là những tàu sang mạn chứa cát và họ đang chuyển cát sang các tàu chở hàng chứ không có hoạt động khai thác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bất cứ một tàu thuyền nào dừng đỗ trên sông không đúng quy định đều sẽ bị xử phạt vì ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường thủy.
Đối với những thiết bị nổi dừng đỗ để sang chuyển cát thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đồng thời phải đáp ứng những quy định chặt chẽ liên quan đến khoáng sản và giao thông đường thủy.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Tử Đà dường như lại coi việc dừng đỗ để sang chuyển cát của các thiết bị nổi trên sông là chuyện bình thường.
Đáng chú ý, nhóm phương tiện tập kết dày đặc ở khúc sông này không phải chỉ sang chuyển cát, mà thực chất là đang khai thác cát vàng.
Khi chúng tôi chỉ rõ những chiếc tàu cuốc đang nhả khói đen, guồng quay của những tàu này đang hoạt động hết công suất để lấy cát từ lòng sông lên, thì vị Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà tỏ ra lúng túng.
Lúc này, ông Tài lại cho biết, vị trí mà nhóm phương tiện kia đang khai thác cát là nằm ở địa bàn giáp ranh, chồng lấn nên rất khó xác định của địa phương nào.
Tiếp đó, ông Tài khẳng định đó không phải địa bàn do xã Tử Đà quản lý mà có thể đã sang địa phận huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Vì vậy, ông Hà Kế Tài đã hướng dẫn chúng tôi đi qua phà Then để sang bên kia sông tìm hiểu sự việc.
Theo lời vị Phó Chủ tịch xã Tử Đà, chúng tôi đã xác minh sự việc này từ lãnh đạo 2 xã đối diện bên kia sông và giáp ranh với xã Tử Đà, đó là xã Tứ Yên và xã Yên Thạch, cùng thuộc huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc.
Trao đổi với chúng tôi, lần lượt Chủ tịch UBND của xã Tứ Yên và Yên Thạch đều khẳng định, vị trí có nhóm phương tiện đang khai thác cát trên sông mà chúng tôi mô tả không thuộc địa bàn quản lý của họ.
Sau lời phủ nhận địa bàn quản lý của cả 3 địa phương, chúng tôi xác minh qua một số người dân địa phương, đồng thời xác định vị trí trên bản đồ thì nhận thấy, vị trí mà nhóm tàu thuyền rầm rộ khai thác cát trái phép nói trên vẫn thuộc địa bàn giáp ranh giữa 3 xã: Tử Đà, Tứ Yên, Yên Thạch.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo 3 xã này đều khẳng định đó không phải địa bàn của mình quản lý. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, lãnh đạo các xã này cũng không rõ nhóm tàu thuyền này tồn tại từ bao giờ, từ đâu mà có.
Trong khi chưa rõ vị trí này chính xác là thuộc địa phương nào thì ngày qua ngày, "đại công trường" khai thác cát bất thường nói trên vẫn tồn tại, ngang nhiên khai thác cát mà không bị kiểm tra, xử lý.
Cũng cần phải nói thêm, đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản (trong đó có cát) thì ngoài UBND cấp xã, rất nhiều lực lượng khác có trách nhiệm quản lý như: Cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường, công an các cấp...
Tuy nhiên, trong suốt buổi sáng (18/5) có mặt tại khúc sông chảy qua địa bàn giáp ranh các xã Tử Đà - Tứ Yên - Yên Thạch, chúng tôi không thấy có lực lượng chức năng nào tuần tra kiểm soát hoặc tiến hành kiểm tra nhóm phương tiện khai thác cát bất thường nói trên.
Như chúng tôi đã nói, hàng chục tàu chở hàng "vây" xung quanh các tàu cuốc đều là tàu hạng nặng. Theo một số người chuyên hoạt động trong lĩnh vực cát, sỏi thì giá cát vàng hiện tại ở Phú Thọ được bán với giá 220.000 đồng/m3. Một chiếc tàu loại 500 m3 tới mua cát sẽ phải trả hơn 100 triệu đồng.
Giả sử, "đại công trường" khai thác cát là trái phép và hàng chục chiếc tàu hạng nặng nói trên, mỗi tàu nhận được một chuyến cát đầy thì một ngày có bao nhiêu khoáng sản, bao nhiêu tiền thuế của nhà nước đã bị thất thoát?
MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xử lý cát tặc ở 'nơi người dân chật vật giữ đất'
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc để đề nghị làm rõ, xử lý tình trạng ... |
Người dân ‘chật vật’ giữ đất vì cát tặc lộng hành
Chứng kiến đất đai, hoa màu ngày ngày bị nhấn chìm xuống sông Hồng, nhiều người dân ở xã Trung Hà đã lập nhóm để ... |