Sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện
Những quán cơm từ thiện 2.000 đồng, 3.000 đồng, 5.000 đồng nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như người vô gia cư, lao động nghèo, bệnh nhân, sinh viên nghèo… trở thành một hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Thế nhưng mới đây trên mạng xã hội lại xuất hiện hình ảnh nhiều sinh viên xếp hàng dài để mua cơm từ thiện 2.000 đồng. Hình ảnh và câu chuyện được anh Vũ Tuấn Anh ở TPHCM ghi lại, đăng tải lên mạng đã trở thành tâm điểm bàn tán của mọi người.
Anh Vũ Tuấn Anh thể hiện quan điểm bức xúc khi bản thân chứng kiến hình ảnh rất đông sinh viên xếp hàng chờ mua cơm từ thiện 2.000 đồng: "... Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp... để ăn cơm từ thiện.
Trong lòng xót xa vì trong khi đó, cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí, cho dù miếng ăn đó cướp của người nghèo. Sinh viên cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng".
Hình ảnh rất đông sinh viên xếp hàng chờ mua cơm từ thiện 2.000 đồng (Ảnh: Vũ Tuấn Anh) |
Trước hình ảnh và câu chuyện đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội, dân tình đã bàn tán với nhiều quan điểm trái chiều. Bạn trẻ B.T.N cho rằng: "Tôi đồng tình quan điểm các bạn sinh viên ăn cơm 2.000 đồng là không có lòng tự trọng. Giả sử có 200 suất 2.000 cho người nghèo nhưng đứng xếp hàng quá bán là sinh viên, mà còn xài smartphone thì những người thực sự cần giúp đỡ đã không còn cơ hội".
V.M.Đ thì thẳng thắn: "Giành hết suất cơm của người nghèo đói, trẻ em, già cả, bệnh tật như thế có đáng không? Tôi cũng đang là sinh viên, nếu ăn cơm 2.000 đồng thì bỏ thêm 1.500 đồng mua gói mỳ tôm còn hơn. Ăn thế này nuốt không trôi".
Q.T cũng đồng tình: "Tiền Internet với trà sữa, đi chơi, xem phim các bạn còn có. Đừng thấy quán cơm dành cho những người khó khăn mà các bạn ùa đến ăn. Họ làm từ thiện nhưng kinh tế của họ thì ai cung cấp cho họ".
Dân tình đã chia ra làm hai phe với hai luồng quan điểm trái chiều (Ảnh: Vũ Tuấn Anh) |
Đại diện quán cơm từ thiện phản pháo
Chị Kiều Vân, đại diện quán cơm từ thiện ở địa chỉ số 6, Cống Quỳnh, Quận 1, TP.HCM không đồng tình với ý nghĩ sinh viên trẻ khỏe thì không được tới quán ăn từ thiện. Chị Kiều Vân nói: "Trước quán có để tấm bảng ghi rõ phục vụ cho người nghèo, học sinh và sinh viên nghèo. Hoàn cảnh của mỗi em thì bên mình nắm được nhưng chắc chắn các em chưa có thu nhập ổn định. Đôi lúc các em cũng có tâm sự rằng cơm ở gần trường vừa mắc tiền mà ăn cũng không no. Buổi trưa thì vừa tan học là bắt xe lên quán, xếp hàng lần lượt ngoài nắng, từng bước từng bước đi vô quán mà chỗ ngồi cũng chật chội. Thực sự mà nếu các em có điều kiện thì sẽ không chịu khổ như vậy đâu.
Nhiều em ở phòng trọ mắc tiền quá thì quán cũng cưu mang, cho các em ở tại quán, làm việc tại quán luôn. Sau đó thì có em đi phát tờ rơi, có em đi phục vụ nhà hàng, đi chạy xe ôm, làm đủ thứ việc nên thương các em sinh viên lắm, thấy không vấn đề gì cả. Quán không bao giờ có ý kiến, khó chịu gì về việc sinh viên đến ăn cả.
Quán sẵn sàng chào đón sinh viên đến ăn. Quán đã ghi rõ là "học sinh, sinh viên nghèo" thì các em cảm thấy mình khó khăn thì các em mới vào ăn thôi. Ai ăn thì mình chào đón, mà các em là sinh viên thì cũng đúng với tôn chỉ của quán.
Ngoài ra, quán cũng luôn đảm bảo suất ăn cho tất cả mọi người, trung bình thì khoảng 400 – 500 khách đến ăn. Quán nấu đủ để phục vụ được người nghèo, học sinh sinh viên chứ không phải là các em sinh viên ăn hết phần của những người nghèo khác đâu".
Nếu sinh viên có tiền, đã không chịu cực để ăn cơm 2.000 đồng (Ảnh: Công Tuấn) |
Quan điểm của chị Kiều Vân cũng trùng với rất nhiều ý kiến, bình luận của cư dân mạng. M.C.N chia sẻ: "Nếu những sinh viên này có nhiều tiền, họ sẽ không xếp hàng chờ mua cơm 2.000 đồng như thế. Nhìn hình ảnh các bạn trẻ như thế thì phải là nên thương cảm hơn là phê phán. Các bạn trẻ phải ăn cơm 2.000 đồng để có sức mà học, trong khi những bạn trẻ khác xếp hàng mặc bikini chờ nhận suất trà sữa miễn phí thì cái nào đáng nói hơn. Nhìn các bạn sinh viên mình đau lòng và rất thương".
N.X.T nhận định: "Sao phải phân biệt rạch ròi như vậy? Nghèo, giàu, hèn, sang? Chẳng lẽ tôi làm ra tiền, tôi không được phép đến ăn cơm 2.000 đồng? Đã làm từ thiện thì làm từ cái tâm, nếu đã có suy nghĩ như vậy phước báu mất rồi còn đâu?"
B.B thẳng thắn cho biết: "Mở ra là để có người ăn, sao cứ phải phân biệt người này người nọ, việc từ thiện đó ra nghĩa lý gì nữa. Hay cần có một bằng chứng nhận là người nghèo mới được ăn. Như thế nào mới gọi là nghèo, ngay cả tôi đi ăn đây cũng không coi đó là tự trọng hay không. Ai nêu ra ý kiến đó nên xem lại tư cách đạo đức và suy nghĩ của mình".
H.Đ: "Không nghèo không được ăn cơm ở đó sao? Có điều kiện ăn ở đó sẽ là không có tự trọng? Không nên quá nặng nề sự việc, nhiều người không suy nghĩ quá sâu xa, bán rẻ thì ăn thôi.
Tuy nhiên lời khuyên cho các bạn sinh viên không thật sự quá khó khăn là nên hạn chế một chút, một bữa ăn chơi tiết kiệm vài ngàn để uống trà sữa có thể là phần ăn duy nhất trong ngày của người nghèo, nên các bạn có gắng tiết chế. Còn chuyện ăn cơm trả tiền, quán không lên tiếng thì người ngoài cũng không có quyền lên án".
Hiện tại câu chuyện, hình ảnh này vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội và những tranh cãi vẫn đang tiếp tục nổ ra.