Mộ bộ phận giáo viên cuộc sống và môi trường làm việc rất khó khăn. (Ảnh minh họa theo giaoduc.net.vn) |
Một dự thảo vừa được Bộ GD-ĐT xin ý kiến rộng rãi là các trường Đại học sư phạm chỉ tuyển sinh đối với những học sinh đạt học lực loại giỏi năm lớp 12. Nhiều chuyên gia cho rằng ý tưởng này là “sang chảnh” không hợp thời.
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến thì học sinh muốn vào đại học sư phạm phải có học lực lớp 12 từ giỏi trở lên mới đủ điều kiện đăng kí dự thi.
Nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng ý tưởng trên không phù hợp với thực tế, không khả thi. Trước hết, quy định điều kiện ứng tuyển vào trường ĐH sư phạm là học lực loại giỏi năm lớp 12, sẽ tạo ra cơn sốt “chạy” điểm, nếu nhiều học sinh muốn vào sư phạm.
Đã có một thời kỳ, Bộ GD-ĐT quy định cộng điểm ưu tiên đối với những học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi vào ĐH, lập tức tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi tăng đột biến, chóng mặt. Sau đó, buộc phải bãi bỏ quy định nói trên.
Nhiều GV phản ánh, sau khi có chủ trương cộng điểm cho học sinh xếp loại giỏi, tình trạng chạy điểm hết sức rầm rộ, bằng nhiều cách khác nhau. Khi vào thi tốt nghiệp, những “ứng viên” cũng được sắp xếp, để có một bộ con điểm “đẹp như mơ”.
Một thực tế là hễ có bất cứ tiêu chuẩn nào được ưu tiên trong tuyển sinh, thì phong trào “chạy” tiêu chuẩn đó lập tức rầm rộ, tái phát “bệnh thành tích” và tiêu cực trong giáo dục.
Quy định buộc học sinh phải đạt học lực giỏi mới được ứng tuyển vào ĐH sư phạm là trái luật. Luật Giáo dục không cho phép đề ra quy định nói trên. Mọi học sinh đã tốt nghiệp THPT đều có quyền ứng tuyển vào bậc học cao hơn.
Để đạt học lực giỏi năm lớp 12, buộc học sinh phải giỏi toàn diện tất cả các môn. Trong khi vào ĐH, với tính chất chuyên ngành, học sinh chỉ cần giỏi một số môn theo khối thi. Điều này cũng phù hợp với thực tế, vì người giỏi toàn diện rất hiếm. Xã hội chỉ cần những con người có trình độ chuyên môn sâu ở các lĩnh vực; như cha ông đã nói: “Nhất nghệ tinh”.
Điều quan trọng là, quy định nói trên đã tỏ ra “sang chảnh” không hợp thời. Bởi vì, với tình trạng thất nghiệp tràn lan, môi trường làm việc đơn điệu, thu nhập trung bình thấp, hầu như không có học sinh giỏi, xuất sắc lựa chọn ngành sư phạm.
Mấy năm gần đây, các trường đào tạo sư phạm hầu như trong tình trạng cầm cự để tồn tại, số lượng tuyển sinh rất thấp, chuẩn đầu vào cũng bết bát, đến mức 3 điểm/môn vẫn có thể trúng tuyển. Nay lại “bồi” thêm quy định này, sẽ có nhiều trường tuyên bố đóng cửa.
Dự thảo của Bộ GD-ĐT là một phương án có tính chất “chữa cháy” trước tình trạng xuống cấp của đào tạo ngành sư phạm, chứ không phải là phương án căn cơ, bài bản.