Đắk Lắk: Trại chăn nuôi bủa vây, hàng trăm hộ dân khốn đốn

Hàng trăm hộ dân sinh sống ở xã Cư Êbur đang khốn đốn vì tình trạng ô nhiễm bủa vây từ những hộ chăn nuôi quanh khu dân cư.

Chất thải “bủa vây”

dak lak o nhiem moi truong tu trang trai chan nuoi
Nước thải từ các trang trại chăn nuôi xả thẳng ra ngoài môi trường.

Thời gian gần đây, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mọc lên như “nấm” trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Các trang trại nằm gần khu dân cư, lại chưa có biện pháp xử lí chất thải, khiến các hộ dân sinh sống quanh khu vực này ngày ngày phải hứng chịu mùi hôi thối.

Ông Trần Văn Nhật (ở thôn 3, xã Cư Êbur) cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây khá lâu rồi. Nhưng từ khi các trang trại nuôi heo và gà mọc lên, chất thải được đổ thẳng ra môi trường mà không được xử lí, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng nặng, nhà tôi phải đóng cửa suốt ngày.”

Các trang trại với quy mô lên đến ngàn con heo, gà nên chất thải “đổ” ra ngoài môi trường hàng ngày với số lượng lớn. Điều đáng quan tâm là những trang trại này tập trung ở khu vực đông dân cư, khiến cho cuộc sống của người dân “khốn đốn”. Không chỉ ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, mà người dân nơi vẫn luôn sống trong cảnh “nơm nớp” lo sợ về sức khỏe, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ.

dak lak o nhiem moi truong tu trang trai chan nuoi
Hệ thống thoát nước tràn ngập chất thải hôi thối.

“Mùi hôi thối bốc lên từ các trang trại khiến ai nấy đều đau đầu, chúng tôi đã có ý kiến với chủ trang trại rồi, nhưng họ vẫn không thèm xử lí. Nước thải thì vẫn cứ đổ thẳng ra môi trường, chỉ khổ người dân chúng tôi, phải hứng hết. Những người có sức khỏe như tôi thì còn chịu được, chứ mấy người già, trẻ nhỏ tội lắm. Nhà tôi có con nhỏ, tôi cũng phải gửi đi nơi khác chứ có giám cho nó ở nhà đâu”, anh Nhật bức xúc cho biết thêm.

Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Nhật, bà Lê Thị Hòe (thôn 3) cho biết: “Khó chịu vì ô nhiễm kéo dài, các hộ dân đã đề nghị các chủ trang trại khắc phục để hạn chế mùi hôi, nhưng vẫn “bạch vô âm tín”. Không những thế, họ còn nhân rộng mô hình chăn nuôi lên, khiến người dân rất bức xúc. Người dân đã làm đơn gửi lên các cấp chính quyền, nhưng vẫn chưa thấy hồi âm”.

Chủ trang trại "né" trách nhiệm

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Trần Văn Khoa ở thôn 3, theo cảm quan bên ngoài chúng tôi nhận thấy, phân gà ứ đọng khắp chuồng trại, ruồi nhặng bu “đen kịt”. Khi phóng viên hỏi về vấn đề xử lí chất thải, ông Khoa cho biết, khoảng 2-3 ngày gia đình ông dọn dẹp chuồng trại một lần, số chất thải được gia đình ông dùng để bón cho cây trồng. “Mùi hôi trong chăn nuôi thì không thể tránh khỏi, nhưng gia đình tôi vẫn thường xuyên dọn dẹp nên không gây ảnh hưởng gì cả”, ông Khoa nói.

dak lak o nhiem moi truong tu trang trai chan nuoi
Các chủ trang trại cho rằng việc xả thái "đúng quy trình".

Còn đối với hộ gia đình ông Phạm Văn Lý, với số lượng gia súc, gia cầm lên đến 4000 con. Chất thải từ việc chăn nuôi được gia đình ông sử dụng làm hầm Biogas, còn lại được đổ thẳng xuống một cái ao lớn, nước thải mấp mé thành hồ. Theo một số người dân ở đây cho biết, vào những ngày chất thải chảy theo rãnh xuống con suối gần đó. Nước suối lại đổ trực tiếp ra sông Srêpốk.

Trước những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã thành lập tổ vận động tuyên truyền về việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn xã. Ủy ban đã tiến hành rà soát, vận động các chủ trang trại chăn nuôi áp dụng khoa học kĩ thuật, các biện pháp xử lí chất thải, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Các chủ trang trại cũng đã cam kết sẽ có biện pháp xử lí chất thải, xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín. Xã cũng đã vận động các hộ dân xây dựng chuồng trại xa nơi dân cư, để hạn chế tình trạng ô nhiễm. Một số hộ gây ô nhiễm cũng đã bị Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra, xử lý hành chính và yêu cầu có các biện pháp khắc phục.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu có hộ nào vi phạm sẽ xử lí nghiêm, theo quy định của pháp luật.” Ông Hà cho biết thêm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.