Dân cũng buồn lắm, thưa Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

Nếu vẽ trên sơ đồ, những trạm phí chằng chịt như thể một cái mạng nhện. Đúng là thiên la địa võng mà dân không có lựa chọn nào khác. Hôm qua Bộ trưởng nói ông buồn vì dân chắn xe ở Cai Lậy, nhưng thưa Bộ trưởng, dân cũng rất buồn. Và không chỉ buồn.
dan cung buon lam thua bo truong truong quang nghia
Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Dương Hằng Nga/tapchigiaothong

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH Trần Văn Giàu có lần thống kê: Quốc lộ 1A thời điểm cao trào có tới 37 trạm thu phí. Như vậy, cứ 62km lại có một trạm BOT.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hôm qua nói đến 4 trạm phí BOT trên quãng đường chỉ 100 km cao tốc Hà Nội - Thái Bình.

Tuyến Đắk Nông - Bến xe Miền Đông (TPHCM) dài 330 km nhưng có tới... 8 trạm thu phí. Tức là bình quân, cứ 40 km có một trạm.

Theo quy định, khoảng cách đặt các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường tối thiểu phải là 70km, nhưng có tới 33/88 trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách.

Thưa Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, chỉ là vài con số công khai, nhưng đó lại là một hiện thực không chỉ buồn mà còn đắng chát với người dân, với cả nền kinh tế.

Tổng KTNN, ông Ngô Văn Quý, sau cuộc kiểm toán 27 trạm BOT đã đưa ra nhận xét thế này: "BOT đang trải ở các dự án cũ... hầu hết quốc lộ, cầu đường trở thành độc đạo cho chủ đầu tư BOT, không có đường nào cho người dân chọn lựa. Dự án trở thành độc quyền và nhà đầu tư độc quyền thu tiền"!

Không như ai đó nói là "người dân có thể chọn đường khác không có BOT" đâu thưa bộ trưởng. Chẳng hạn như Cai Lậy, ở vị trí yết hầu, trong khi dân thì không "đường khác" bằng thăng thiên hay độn thổ được.

Hôm qua, Bộ trưởng có nói đến chuyện ở Singapore, ôtô cứ ra khỏi nhà là thu phí, là tính tiền. Điều đó đúng. Nhưng ở Việt Nam, với việc thu phí bảo trì đường bộ theo năm, một chiếc ôtô ngay cả khi trùm mền cũng phải đóng phí.

Thưa Bộ trưởng, trên những con đường quốc lộ độc đạo "của ông bà cha ông để lại", giờ bị chặt khúc, nhiều khi chỉ "láng một lớp nhựa" rồi dựng "lô cốt" thu phí thì dân nào chịu cho thấu.

Thưa Bộ trưởng, đang có những nghịch lý. Chẳng hạn một container từ Quảng Châu - Trung Quốc về Hải Phòng chỉ 3 triệu, nhưng nếu cái container ấy từ Hải Phòng lên Hà Nội lại mất những 6 triệu chi phí vận tải. Hay như Cai Lậy, quãng đường hơn hai chục km mà phí đắt hơn cả cao tốc Trung Lương, như thế, doanh nghiệp nào, nền kinh tế nào chịu cho thấu?!

Người dân biết chứ, xã hội hoá nguồn vốn qua hình thức BOT là hình thức khả dĩ trong bối cảnh cần rất nhiều vốn cho xây dựng cơ bản. Nhưng xã hội hoá bằng tiền của dân lại để dân buồn, dân kêu ca, dân phần nộ, dân phản đối thì đó đâu phải là phục vụ dân.

Hôm qua, Bộ trưởng có nói đến việc xoá bỏ quy hoạch BOT vì thế giới không ai làm vậy. Chúng tôi xin cảm ơn. Nhưng cũng xin một lời hứa của Bộ trưởng, rằng sẽ chấm dứt tình trạng chia nhỏ đường độc đạo ra để bán. Xin một cam kết từ bộ trưởng, rằng xoá bỏ quy hoạch thì trong tương lai số trạm thu phí sẽ ít hơn so với quy hoạch cũ.

Nói thật, cứ nhìn con số 2020 sẽ có 102 trạm thu phí, 2030 là 121 trạm thu phí thì không một người dân nào vui nổi.

dan cung buon lam thua bo truong truong quang nghia BOT Cai Lậy vắng tanh ngày xả cửa

Trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, xả cửa hoàn toàn cho các phương tiện tự do qua lại. Khu vực trạm thu phí vì ...

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.