Bài toán dành cho học sinh lớp 4 do thành viên T.A chia sẻ trên mạng như sau:
Điền số thích hợp vào chỗ trống
1 phút 6 giây = ….. giây 1/4 tấn = ….. giây
360 giây = …… giờ 1/2 thế kỉ = ….. giây
1 km 12 m = ….. giây
“Ai giúp mình giải bài toán này với, ngồi nhìn mà không hiểu được cách làm thế nào?”, anh T.A viết.
|
Chia sẻ trên Tri Thức Trực Tuyến, người đăng bài lên mạng cho biết: “Đó là phiếu bài tập về nhà của con tôi, giáo viên giao cho các cháu làm hàng tuần. Tôi có hướng dẫn con học bài, thỉnh thoảng thấy có sai sót trong đề. Tuy nhiên, với lỗi sai này, tôi thấy vừa hài hước và bức xúc, muốn chia sẻ để mọi người cùng xem”.
Anh T. khá buồn khi con anh (học trường tiểu học công lập ở Hà Nội) giờ học hành vất vả. Giáo viên thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, ra đề cho học sinh. Phụ huynh này mong rằng đó chỉ là lỗi của giáo viên, chứ liên quan trình độ chuyên môn sẽ rất đáng lo ngại.
Cô Chu Thị Mỹ Lệ - giáo viên bộ môn Toán lâu năm tại một trường tiểu học ở TP.HCM - cho biết: "Chắc chắn đó là lỗi sai do người ra đề. Không thể đổi đơn vị đo chiều dài, đơn vị khối lượng về đơn vị thời gian được".
Phép toán 1/2 thế kỷ đổi sang giây không sai về mặt toán học, nhưng từ trước đến nay, nữ giáo viên chưa từng gặp câu hỏi như vậy.
Theo cô Lệ, với trình độ của học sinh lớp 4, các em khó có thể đổi được 1/2 thế kỷ thành bao nhiêu giây.
Cách đây không lâu, báo Dân trí cũng đưa tin phản ánh của một phụ huynh học sinh tại Quảng Nam một bài toán “lạ” trong SGK Toán nâng cao lớp 1 khiến phụ huynh ngỡ ngàng.
Cụ thể, ở Trang 58 cuốn sách này, đề bài cho: “Lan có 50 que tính, Hồng có 40 que tính. Hỏi tổng số... ô vuông của hai bạn là bao nhiêu?
|
Ông Nguyễn Hoài Nam, người thân của học sinh có cuốn sách trên cho biết, cháu bé được ông ngoại mua tặng cuốn sách Bài tập cơ bản và nâng cao Toán lớp 1 cách đây khoảng 1 tháng. Cuốn sách được mua tại một nhà sách khá lớn tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Trong phần đáp án, đáng ra phải ghi tổng số que tính của hai bạn là bao nhiêu thì đề bài đưa ra lại là tổng số ô vuông là bao nhiêu.
Sau hơn 1 tháng sử dụng, chính cháu bé là người phát hiện ra sai sót và thắc mắc với bố: “Tại sao đề bài Toán và đáp án lại kiểu gà cộng gà mà ra… vịt, khiến cả gia đình tôi đều bật cười. Khi xem lại, chúng tôi thấy quả nhiên là bất hợp lý.
Theo tìm hiểu, cuốn sách này của tác giả Bùi An Tuấn, do NXB Tổng hợp Đồng Nai ấn hành, nộp lưu chiểu vào tháng 3/2006 và được in tại công ty cổ phần in Bến Tre. Khi chúng tôi liên lạc với NXB, một đại diện của BBT cho biết, bản thảo này đã quá lâu nên giờ tìm lại xem bộ phận biên tập sai sót ở đâu thì không còn tìm thấy.
Trở lại những sai sót của cả hai bài toán trên đây cho thấy, nhiều giáo viên, đơn vị còn thiếu cẩn trọng khi ra đề và cả trong khâu biên tập khiến học sinh không biết đâu mà lần.
Trước đó, đầu tháng 6, một diễn đàn mạng chia sẻ đề toán dành cho học sinh lớp 2 như sau: “Cho số 45, số đó thay đổi như thế nào nếu xóa bỏ chữ số 5…”.
|
Ở phần đáp án, học sinh trả lời: Xóa bỏ chữ số 5 thì còn số 4, giáo viên ghi “sai” cùng dòng.
Đáp án được cô giáo đánh sai nhận ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận định, câu trả lời của học sinh “xóa bỏ chữ số 5 thì còn số 4” là đúng, đặt ra câu hỏi tại sao cô giáo lại chấm sai trong một đề toán rất đơn giản?
An Yên (Tổng hợp)