Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức chiều 17/10, ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hoà Bình cung cấp một số thông tin liên quan đến sự cố ô nhiễm nước sạch cấp cho Hà Nội.
Theo ông Long, qui trình xử lí nước sạch sông Đà tại Công ty CP Nước sạch sông Đà hiện nay là: Nước được dẫn từ sông Đà qua kênh chảy tới hồ Đầm Bài. Từ hồ Đầm Bài, nước được đưa vào hệ thống xử lí của Nhà máy Nước mặt sông Đà. Sau đó, nước sạch được truyền tải về Hà Nội.
Hồ Đầm Bài rộng khoảng 6,9 ha. Ngoài kênh dẫn nước sông Đà thì có nhiều suối nhỏ chảy vào hồ này. Về sự cố nhiễm dầu, ông Long cho biết, hiện chưa rõ đây là dầu thải gì. Vị trí bị đổ trộm dầu thải cách khu vực nhận nước của Nhà máy Nước mặt sông Đà khoảng 3 km.
Hoà Bình đang cắm mốc phân vùng bảo vệ nguồn nước sạch sông Đà. (Ảnh: Vnexpress).
"Dầu thải từ suối Trầm, chảy qua suối Bằng. Suối Bằng và kênh dẫn nước rất gần nhau. Về nguyên lí, nước từ suối Bằng sẽ vào thẳng kênh," ông Long nói.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Long, trước khi sự cố xảy ra, Viwasupco có sử dụng phao chắn ở kênh tiếp nhận nước, nhưng phao này chủ yếu là để chắn rác. Sau khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp này sử dụng 2 phao chắn chuyên dụng.
Ngày 14/10, ông Long cùng đoàn công tác của Sở TN&MT Hoà Bình mới tới hiện trường khu vực Công ty Nước sạch sông Đà, lấy các mẫu (nước, trầm tích...) để xét nghiệm.
Khi đó, về cơ bản, Viwasupco đã thu gom dầu trên đường, trên suối và đưa về kho chứa của doanh nghiệp này. "Về cảm quan, khi đó, chúng tôi thấy hiện tượng váng dầu không còn nhiều; lội xuống suối thì còn mùi khét, một số nơi còn váng dầu," ông Long cho hay.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hoà Bình cho rằng, ngoài váng dầu trên mặt đã thu gom được, không loại trừ trường hợp một số hợp chất còn lơ lửng trong nước, hoặc cát bám dưới đáy suối, trên cây cỏ...
"Trước mắt, phải xử lí hết những vấn đề này rồi kiểm tra, quan trắc. Sau đó mới có thể khẳng định được chất lượng nước đầu vào đảm bảo cho nhà máy nước sạch," ông Long nói.
Ông Long cho biết thêm, hiện hồ Đầm Bài có nhiều nguồn nước chảy vào nên việc quản lí, bảo vệ nguồn nước và chất lượng nước là rất quan trọng, đòi hỏi phải có vùng bảo vệ an toàn nguồn nước.
"UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phê duyệt phương án bảo vệ nguồn nước sạch sông Đà, trong đó bao gồm các kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài.
Hiện các đơn vị đang cắm mốc phân vùng phạm vi bảo vệ nguồn nước sông Đà. Về lâu dài, sẽ lắp đường ống kín dẫn nước từ sông Đà về nhà máy để đảm bảo hơn," Chị cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hoà Bình nói.
Theo thông tin trên website của Vinaconex, Nhà máy nước sông Đà có vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Dự án được triển khai từ năm 2005, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2008. Quy mô xây dựng nhà máy xây dựng gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 công suất 300.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 công suất 300.000 m3/ngày đêm với tuyến ống dẫn nước dài 47,5km; D1500-1800mm.
Kinh doanh 17:16 | 27/11/2019
Đô thị 14:58 | 04/11/2019
Đô thị 14:33 | 26/10/2019
Đô thị 14:26 | 26/10/2019
Đô thị 21:30 | 25/10/2019
Đô thị 16:29 | 25/10/2019
Đô thị 09:23 | 25/10/2019
Đô thị 06:36 | 25/10/2019