'Đáng sợ nhất là những người xứng đáng lại rớt GS, PGS'

GS Nguyễn Đức Dân lạc quan "lớp tiến sĩ trẻ có trình độ sẽ thay thế khá nhanh", còn nguyện vọng lớn nhất của GS Hoàng Xuân Phú là làm sao xoá bỏ những rào cản phi lý để không ngăn cản những người xứng đáng trở thành GS, PGS.

Rào cản cho người trẻ

"Cách thức xét duyệt và bổ nhiệm GS và PGS của ta hiện nay khác hẳn so với thông lệ quốc tế, trong khi lẽ ra phải hội nhập, học tập và làm theo các nước tiên tiến. Tất nhiên, hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam cho phép ta làm theo ở mức độ nào và với nhịp độ nào, thì cần phải cân nhắc thận trọng. Nhưng dù sao đi nữa thì cũng không thể làm ngược hẳn so với thông lệ."

Đó là ý kiến của GS. TSKH. Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

“Tôi không có tham vọng ngăn cản những người không xứng đáng, mà chỉ có nguyện vọng xóa bỏ những rào cản phi lý ngăn cản những người xứng đáng trở thành GS hay PGS” – GS. Phú chia sẻ.

“Cần phải tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học vừa trẻ vừa giỏi sớm đảm nhận vai trò trụ cột trong việc xây dựng nền khoa học và giáo dục nước nhà. Tiếc rằng, nếu làm việc ở nước ngoài thì nhiều người đã có thể được phong GS từ lâu, nhưng về Việt Nam thì họ lại vấp phải nhiều rào cản".

"Điều đáng nói là có những rào cản thuộc loại quá khác người. Chẳng hạn, ở ta quy định ứng viên giáo sư phải có sách đã xuất bản, trong khi ở xứ người thì nhiều giáo sư chẳng cần phải viết quyển sách nào cho đến tận lúc về hưu.

Ở ta quy định ứng viên giáo sư phải hướng dẫn xong mấy nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, trong khi ở xứ người thì giáo sư mới được chính thức đứng tên hướng dẫn nghiên cứu sinh. Trớ trêu thay, ngay ở Việt Nam cũng chẳng hề có hề có quy định rằng các giáo sư (đã được phong) phải viết sách hay hướng dẫn nghiên cứu sinh."

Vậy dựa trên tiêu chí gì để xét duyệt chức danh GS, PGS?

“Cứ làm giống như các nước tiên tiến, tức là tập trung vào việc xem xét năng lực của ứng viên. Để xem xét về năng lực khoa học thì phải dựa vào các công trình nghiên cứu mà ứng viên đã công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, và chú trọng xem xét chất lượng, chứ không phải đong đếm số lượng để rồi lờ đi chất lượng.

Để xem xét về năng lực sư phạm và trình độ ngoại ngữ, thì cần yêu cầu ứng viên trình bày thử bài giảng trước hội đồng, chứ không phải dựa vào mấy chứng chỉ sư phạm và chứng chỉ ngoại ngữ.

Tất nhiên, để có thể đánh giá chính xác năng lực của ứng viên, thì các thành viên của hội đồng phải có đủ trình độ và tư cách khoa học. Nếu đa số thành viên hội đồng bỏ phiếu tán thành cả những ứng viên không xứng đáng, thì có thể suy ngược ra rằng bản thân các thành viên ấy cũng không xứng đáng tham gia hội đồng."

Quan trọng nhất vẫn là năng lực hội đồng thẩm định

Chia sẻ quan điểm của GS. Hoàng Xuân Phú, một GS đang công tác ở một trường đại học tốp đầu cho rằng, “đáng sợ nhất là những người xứng đáng lại rớt, còn những người không xứng đáng lại được”.

Về số lượng bài báo ISI/ Scopus theo Dự thảo mới, vị GS này cho rằng đây là một điểm tiến bộ. Yếu tố quan trọng nhất theo ông vẫn là năng lực và sự công tâm của các thành viên trong hội đồng thẩm định.

“Quy định mới này bắt buộc ứng viên phải có báo ISI/Scopus, là một điểm tiến bộ theo xu hướng của thế giới, nhưng vô lý là lại hoàn toàn không yêu cầu người chấm ứng viên phải có báo ISI/Scopus” – ông nói.

Đặc biệt là ở hội đồng ngành – nơi năng lực chuyên môn của ứng viên được cày xới, thì thành viên của Hội đồng ngành phải có số lượng bài ISI/scopus gấp 5 gấp 10 lần số bài ít nhất mà ứng viên GS phải có, vị GS này khẳng định.

"Lớp tiến sĩ trẻ có trình độ sẽ thay thế khá nhanh"

dang so nhat la nhung nguoi xung dang lai rot gs pgs

GS.TS. Nguyễn Đức Dân

Trong khi đó, nói về các hội đồng thẩm định, GS Nguyễn Đức Dân thừa nhận, có chuyện nhiều thành viên ngồi hội đồng không có bài báo công bố quốc tế, có những người không được giới khoa học “nể” lắm nhưng vì lý do nào đó vẫn được chọn, và cũng có chuyện “ngồi lâu quá thành chết ì”.

GS. Dân đề xuất nên có những thay đổi trong hội đồng thẩm định, ví dụ như không nên để các thành viên ngồi hội đồng quá lâu – lên đến 5 năm, sẽ tạo cho các cá nhân đó những thứ quyền lực để người khác xin xỏ, chạy chọt. Hay chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, ở một số ngành có những chuyện có người xứng đáng nhưng vì mâu thuẫn cá nhân mà không đủ phiếu. “Những chuyện đó là có, rồi sinh ra kiện cáo. Tôi được biết, trong nhiều ngành, chất lượng GS được phong khá ‘bệ rạc’” – ông nói.

Vì thế, vị GS Ngôn ngữ học đề xuất nên giao việc xét duyệt GS, PGS về cho các cơ sở đào tạo. Đồng thời, các trường phải đưa ra những kế hoạch vĩ mô. “Từng trường, cụm trường phải công bố công trình của các GS, PGS, kể cả không có công trình thì cũng phải ghi là không có công trình”.

Theo ông, nên học theo các nước: “Đã làm quan thì không làm GS. Đã là GS thì phải đứng trên bục giảng".

GS. Dân cho rằng, nếu chuyển về các trường, ban đầu sẽ có những xô bồ và lộn xộn, nhưng rồi chính chất lượng các công bố khoa học sẽ sàng lọc, phân loại chất lượng GS của mỗi trường.

“Bây giờ, nhiều GS không đủ năng lực viết một bài báo quốc tế, có thể là do tiếng Anh kém. Nhưng thà chịu mất một số GS trong thời gian đầu. Tôi tin rằng, những lớp tiến sĩ trẻ có trình độ sẽ thay thế khá nhanh”.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.