Có phụ nữ đăng bài lên mạng xã hội về vụ án mạng tại trung tâm thương mại và cảnh sát xác định đây là tin bịa đặt. Xin hỏi, người đó sẽ bị xử lý như thế nào?
Phạm Hoài
Luật sư trả lời
Việc tung tin đồn thật thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Xử phạt hành chính
Theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định trên cũng quy định: Xử phạt 10-20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm, người đó có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu phải đính chính, xin lỗi công khai hoặc bồi thường thiệt hại.
Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường… Những trường hợp nghiêm trọng, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người tung tin đồn có thể bị truy cứu hình sự về tội Vu khống, điều 122 Bộ luật Hình sự.
Điều 122 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội Vu khống
“1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi tung tin đồn, bịa đặt tin nhằm bôi xấu, xúc phạm người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.