Đang xét xử cựu chủ tịch TrustBank gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Trước khi chuyển giao quyền điều hành ngân hàng cho Phạm Công Danh, bị can Toàn và các thuộc cấp tại TrustBank đã thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay tổng cộng 650 tỷ đồng. Số tiền vay này phía TrustBank không thu hồi được hết, gây thiệt hại cho nhà băng này gần 500 tỷ đồng.
dang xet xu vu cuu chu tich trustbank va dong pham gay thiet hai hang tram ty dong
Cựu chủ tịch HĐQT TrustBank Hoàng Văn Toàn tại tòa.

Theo đúng dự kiến, sáng 2/5, TAND TP HCM đưa 7 bị cáo trong nhóm HĐTD Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) do Hoàng Văn Toàn (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank), Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc) đứng đầu ra xét xử.

Cùng bị xét xử với 2 bị can trên còn có 5 đồng phạm khác là các thuộc cấp của Toàn. Tất cả đều bị truy tố về cùng tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Liên quan đến vụ án toà có triệu tập 4 bị án trong vụ đại án gây thiệt hại 9.000 tỷ gồm Phạm Công Danh và các thuộc cấp. Đồng thời, nhiều cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập để phục vụ cho việc xét xử.

Ngoài 7 bị cáo bị truy tố nêu trên, liên quan đến vụ án này còn có một nguyên phó giám đốc TrustBank là Đỗ Hoàng Linh. Đối tượng Linh là thành viên chính thức trong hội đồng tín dụng, phụ trách khối điều hành ngân hàng.

Sau khi gây ra các sai phạm, Linh biết mình có liên quan nên đã bỏ trốn và bị cơ quan điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã. Đến nay đã hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Linh và quyết định tách vụ án để khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo cáo trạng, ngân hàng TMCP Đại Tín tiền thân là ngân hàng nông thôn cổ phần Rạch Kiến (trụ sở đặt tại Long An) với vốn điều lệ đăng ký là 3.000 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch HĐQT và Trần Sơn Nam - Tổng giám đốc (TGĐ). Đến tháng 5/2013, ngân hàng đổi tên thành ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB, nay là ngân hàng CB).

Ngày 22/12/2012, Nguyễn Quốc Thịnh (giám đốc công ty Thịnh Quốc) ký giấy đề nghị vay vốn 370 tỷ đồng tại chi nhánh Sài Gòn - ngân hàng Đại Tín với mục đích kinh doanh bất động sản, hợp tác với công ty Đại Hoàng Phương mua Lô đất số 3 sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) của công ty Nhà Quốc Thắng với tổng giá trị chuyển nhượng là 939 tỷ đồng. Phương án vay vốn và trả nợ là từ doanh thu và lợi nhuận của việc chuyển nhượng lại của bất động sản nêu trên cho công ty địa ốc Bảo Gia với giá tổng giá trị chuyển nhượng là 1.239 tỷ đồng. Thực tế, cả bốn công ty trên đều là các công ty con của Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB).

Ngày 25/12/2012, Hội đồng tín dụng chi nhánh Sài Gòn (ngân hàng Đại Tín) đã họp và thống nhất cho công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng và đề nghị Hội đồng tín dụng (HĐTD) ngân hàng Đại Tín phê duyệt cho vay theo thẩm quyền.

Đến ngày 28/12/2012, HĐTD ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam và các thành viên còn lại họp và thống nhất chủ trương cho vay trên. Ngay trong ngày, chi nhánh Sài Gòn đã giải ngân 370 tỷ đồng cho công ty Thịnh Quốc và 280 tỷ đồng cho công ty Đại Hoàng Phương. Tuy nhiên, số tiền giải ngân sau đó không thực hiện đúng mục đích mà chuyển về tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cho các khoản vay trước đó.

Kể từ ngày 28/3/2014, hai khoản vay trên đã quá hạn tất toán nhưng đến nay VNCB vẫn chưa thu hồi được các khoản vay này. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, số tiền còn lại không thu hồi được gây thiệt hại cho ngân hàng là 471 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty trên vay vốn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam và các thành viên trong HĐTD đã không thực hiện đúng quy định cho vay như: hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính của khách hàng, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro về tài chính… nhưng các bị can không yêu cầu bổ sung báo cáo tài chính, hồ sơ nộp thuế để xem xét trước khi phê duyệt cho vay. Trên thực tế, các công ty này đều không hoạt động kinh doanh, hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đều được lập khống. 

Khi phê duyệt cho vay, nguyên dàn lãnh đạo ngân hàng Đại Tín đã bỏ qua cảnh báo rủi ro về tài chính, về tài sản đảm bảo của cán bộ thẩm định mà chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá đối với lô đất 5.104m2 tại khu vực sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). 

Thực tế, khu đất sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp chứng nhận đầu tư dự án, chưa có quy hoạch chi tiết cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào... nên không thể làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng. Vì vậy, hành vi phê duyệt cấp tín dụng của các bị can là trái luật.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM. Dự kiến kéo dài đến hết ngày 4/5 tới.

dang xet xu vu cuu chu tich trustbank va dong pham gay thiet hai hang tram ty dong Ngày mai, cựu chủ tịch TrustBank hầu tòa

Quá trình phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty của Danh vay vốn, bị can Hoàng Văn Toàn và các thành viên hội ...

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.