Phim về người chuyển giới 'Đi tìm Phong' trụ rạp 2 tuần ở Pháp
Bộ phim về người chuyển giới 'Đi tìm Phong' của nhà làm phim độc lập Trần Phương Thảo hiện đang được phát hành tại Pháp. |
Mới đây, phim tài liệu Finding Phong được công chiếu tại Việt Nam với số giờ ít ỏi có được tại các rạp hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Tác phẩm tái hiện hành trình chuyển giới của nhân vật Lê Ánh Phong – người có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp THPT, Phong lên Hà Nội học và làm thêm tại nhà hát múa rối.
Nhiều năm sống trong hình hài một người đàn ông, Phong bức bối và nhận ra bản thân thuộc về một cơ thể khác, giới tính khác. Nhờ một người bạn từ Mỹ giúp đỡ, Phong lên đường sang Thái Lan phẫu thuật. Trong thời gian điều trị tâm lý và tiêm hóoc môn nữ, Phong thuyết phục gia đình và người thân, đối mặt với nhiều vấn đề về xã hội và định kiến của người đời.
Hành trình của Finding Phong và những câu chuyện hậu đài
Trước khi có buổi công chiếu với khán giả tại cụm rạp, Finding Phong lần đầu được giới thiệu trong buổi tập huấn báo chí của viện iSee – đó là khi những thước phim chưa bị cắt xén, biên tập vừa văn 90 phút như hiện nay. Đạo diễn Trần Phương Thảo lúc ấy bày tỏ câu chuyện hậu đài và những điều "buồn cười nhất" khi thực hiện bộ phim.
"Finding Phong" được giới thiệu tới báo chí trong buổi tập huấn cùng viện iSee (Ảnh: NVCC) |
Gần 2 năm là khoảng thời gian đầy đủ cho chị và Phong hoàn thành hành trình của mình. Mới đầu, nữ đạo diễn không có ý định làm phim về người chuyển giới hay cộng đồng LGBTQ.
Đạo diễn Trần Phương Thảo nói:"Lúc đó phim của anh Đãng hay Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đang nổi lên, tức tư tưởng và định kiến của người Việt Nam về cộng đồng LGBTQ đã cởi mở hơn. Tôi không có ý định làm phim về người chuyển giới".
Chị và Ánh Phong quen nhau thông qua một người bạn nước ngoài. Khi ấy, Phong nói tiếng Anh bồi, bày tỏ mọi khát khao và nỗi niềm của người chuyển giới trước anh chàng ngoại quốc vẫn đang cố gắng hiểu chuyện.
Trần Phương Thảo lúc ấy đang muốn thực hiện một bộ phim về quan hệ nam nữ, tính dục trong xã hội đương thời, nhân vật chị hướng đến không là người chuyển giới. Tuy vậy, duyên số để chị và Ánh Phong quen nhau. Sau một thời gian trò chuyện, cả hai thống nhất thực hiện bộ phim tài liệu. Ấy cũng là thời điểm Trần Phương Thảo nhận ra trách nhiệm với nhân vật của mình.
Chị kể: "Sau khi tiêm hóoc môn được 6 tháng, Phong muốn làm phẫu thuật luôn. Tôi đã có kinh nghiệm khi làm phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng nên đã khuyên em từ từ. Bản thân tôi thấy mình có trách nhiệm với cuộc đời và những kết quả sau này của Phong nên phải cân nhắc, bảo em hoàn thành đầy đủ các bước trước khi làm phẫu thuật".
Có những cảnh quay riêng tư về cơ thể, sinh hoạt hàng ngày, đoàn phim không thể thực hiện nên đã mua chiếc máy quay không quá đắt tiền để Phong tự ghi lại những phân đoạn tại nhà. Vì vậy, bộ phim có sự chân thật, bộc lộ những điểm giằng xé trong tâm hồn của nhân vật.
Những cảnh quay riêng tư về cơ thể đều được Ánh Phong tự thực hiện (Ảnh: NVCC) |
Suốt thời gian thực hiện phim, đạo diễn Trần Phương Thảo coi mình là thành viên đặc biệt trong gia đình Ánh Phong. Trong buổi về Quảng Ngãi quay hình, chị trò chuyện với cha mẹ của nhân vật, chị đã bật khóc khi bố Phong nói về con.
Nữ đạo diễn chia sẻ: "Cha mẹ em ấy đã lớn tuổi. bố Phong năm nay 94 tuổi, cụ ngồi trước hiện nhà rồi nhìn quẩn quanh con cái. Có những câu ông nói trong phim khiến khán giả bật cười nhưng với tôi, đó vừa là sự bất lực, vừa là sự cảm thông của người cha dành cho con. Dù Phong là ai, chỉ cần phục vụ cách mạng là ông vui".
Kỉ niệm đáng nhớ của đạo diễn Trần Phương Thảo là khi gửi tác phẩm cho hãng phim Xanh và đạo diễn/ diễn viên Hồng Ánh. "4 năm trước gửi cho Hồng Ánh, tôi viết một lá thư tay kèm hai tác phẩm của mình. Trong đó có Finding Phong và một phim tài liệu khác. Bày tỏ trong lá thư với những điều chân thành, nhưng phim không thể công chiếu ngay thời điềm đó vì mọi thứ gấp gáp. Bên phía hãng cũng không có phản hồi nào khiến tôi vô vọng tìm kiếm nhà phát hành cho phim", nữ đạo diễn bày tỏ sự mông lung khi tìm kiếm hãng phát hành cho phim tài liệu.
Đạo diễn Trần Phương Thảo cùng nhân vật Ánh Phong trong buổi công chiếu Finding Phong tại TP HCM (Ảnh: NVCC) |
Quyết định lớn nhất của Trần Phương Thảo là đưa bộ phim tham dự liên hoan phim quốc tế tại Pháp. Đối với chị, đây là cội nguồn của điện ảnh và cho "đứa con tinh thần" ra ngoài để biết còn thiếu gì, mạnh ở đâu để chỉnh sửa và hoàn thiện. 4 năm và hành trình đi khắp thế giới của Finding Phong kết thúc tại Việt Nam.
Chị nói: "Finding Phong đã đi một vòng thế giới, đầy đủ sự học và những cảm xúc rồi. Thời điểm này công chiếu tại Việt Nam là hợp lý vì thị trường điện ảnh không có phim tài liệu, thế giới quan của tôi và những đạo diễn khác cũng khác nhau".
Tuy nhiên, với số giờ chiếu ít ỏi hiện nay, Trần Phương Thảo vẫn tiếp tục dở dang với hành trình công chiếu và tìm lại cân bằng cho phim tài liệu của mình. Làm Finding Phong không vì doanh thu và lợi nhuận, thứ duy nhất nữ đạo diễn muốn là thỏa mãn ý định làm phim về quan hệ nam nữ, giới tính và những định kiến xã hội Việt Nam.
Chị nói thêm: "Bạn cứ tưởng tượng với giá vé 50 nghìn, có lúc rạp 100 khán giả nhưng những xuất 9 giờ sáng hay 23 giờ có 5, 6 người. Gần 1 tuần công chiếu thu về tầm 20 triệu chẳng đủ cho nhà phát hành trả chi phí truyền thông, gửi các bạn làm hậu trường chứ nói gì đến lãi lời".
Những giá trị thật của thước phim tài liệu
Nhiều khán giả xem Finding Phong trong tâm thế đón nhận một bộ phim về đề tài LGBTQ, rằng sự tò mò của họ đối với giới tính và sự chuyển mình của con người chưa dừng lại. Có nhiều khán giả vẫn thắc mắc câu chuyện về Lâm Chi Khanh, Hương Giang, Cindy Thái Tài… hay đời sống, nhu cầu tình dục của họ như thế nào? Tuy nhiên, Trần Phương Thảo lại có cách tiếp cận riêng với người LGBTQ thay vì mượn câu chuyện của ngôi sao để truyền thông tới khán giả.
Chị nói: "Trước khi làm phim tầm 2 năm, tôi nhớ báo chí và xã hội chưa cởi mở với người LGBTQ như hiện nay. Khi những vấn đề họ đưa ra là người LGBTQ hành nghề mại dâm, giết người vì ghen tuông… Cách nhìn nhận thiếu hiểu biết và chủ quan sẽ khiến xã hội bất công với cộng đồng người LGBTQ".
Phong cùng chị gái, anh trai lên đường sang Thái Lan làm phẫu thuật (Ảnh: NVCC) |
Giống như chia sẻ ban đầu, Trần Phương Thảo làm phim phản ánh quan điểm về giới tính, tính dục, quan hệ nam nữ trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, hành trình tái hiện cuộc sống của người phụ nữ đặc biệt như Ánh Phong vô tình thỏa mãn đầy đủ các yếu tố trên. Đối với chị, làm phim cần tạo ra những nghịch cảnh.
"Bạn không thể tái hiện mối quan hệ nam nữ khi bắt đầu với những nhân vật thông thường, Phim dễ đi đến nhàm chán, không khác biệt", nữ đạo diễn chia sẻ thêm.
Mở đầu bộ phim, câu chuyện về Ánh Phong và những đoạn tự sự trước ống kinh khiến người xem ám ảnh, nhận thấy sự giằng xé trong tâm hồn nhân vật. Tiếp đến là mối quan hệ bạn bè, lời bông đùa của bạn Phong cho thấy cái nhìn khách quan về quan hệ nam nữ xã hội đương thời.
Những cảnh quay Phong làm việc, gặp bác sĩ điều trị tâm lí hay thổ lộ với anh chị nghệ sĩ tại nhà hát múa rối là góc nhìn khác của xã hội về giới tính con người. May mắn của Phong và đạo diễn Trần Phương Thảo trong hai năm thực hiện Finding Phong là không bắt gặp sự kì thị.
Hai phân cảnh để lại xúc cảm nhiều nhất trong lòng đạo diễn Trần Phương Thảo là lời tự sự của cha mẹ Ánh Phong và cảnh anh Cường (anh trai nhân vật) hút thuốc, nói về những ân hận của mình. Nữ đạo diễn nghẹn ngào nói thêm: "Ngoài những cảnh nói đùa, vui vẻ thì hai khúc đó khiến tôi ám ảnh nhất. Anh Cường vô địch quyền anh quốc gia ba năm, trở về thấy Phong ỏn ẻn bắt đi học võ luôn. Khi không được thì anh la mắng, đánh…".
Phân cảnh khiến đạo diễn Trần Phương Thảo xúc động (Ảnh: NVCC) |
Câu nói của anh Cường khiến đạo diễn Trần Phương Thảo bộc lộ nhiều tâm tư, suy nghĩ về con người đương thời: "Mình hiểu nhưng lòng chưa bao la". Anh chấp nhận con người, bảo vệ và thương yêu Ánh Phong. Nhưng trong thời khắc nào đó, "lòng chưa bao la" lại là cảm giác khiến anh ân hận.
Phong cùng anh trai trong phân đoạn đón tết tại Quảng Ngãi (Ảnh: NVCC) |
Với đạo diễn Trần Phương Thảo, Finding Phong đã đi được trọn vẹn hành trình điện ảnh cần có của một bộ phim tài liệu. May mắn cho chị và ê kíp làm phim khi nhận được hỗ trợ từ viện iSee, hãng phim xanh và bạn bè hai đầu nam – bắc.
Nữ đạo diễn nói: "Buổi công chiếu ở Sài Gòn khiến tôi suýt bật khóc. Không chỉ người LGBTQ, ngay cả nghệ sĩ nổi tiếng như chú Hữu Châu, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh… cũng tới để ủng hộ phim. Đó là dấu hiệu tích cực cho phim tài liệu Việt Nam phát triển hơn".
XEM THÊM
Mĩ nam tóc dài khiến 'hủ nữ' bấn loạn vì quá đẹp
Sở hữu vẻ đẹp phi giới tính, 9X nổi tiếng trong cộng đồng mạng xứ Trung này sẽ khiến nhiều người nhận nhầm vì không ... |
Cô gái hát lô tô Tâm Thảo: 'Tôi bị ám ảnh vì bị bạn trêu ghẹo là 'pê đê'
Trần Vũ Tâm Thảo là người đẹp chuyển giới. Cô có tên thật là Trần Vũ Tâm. Năm nay mới 26 tuổi nhưng cô đã ... |
BB Trần hóa cô gái gợi cảm khuấy đảo sự kiện của cộng đồng LGBTQI+
Xuất hiện với quý cô quyến rũ, gợi cảm, diễn viên BB Trần đã khiến nhiều người mê mẩn khi tham dự đêm sự kiện của ... |