Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 của Batdongsan.com.vn cho biết, sau khi đạt đỉnh vào tháng 3 vừa qua, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.
Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường bất động sản trong tháng 4 giảm gần 18% so với tháng 3. Trong đó, đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất với gần 21%.
Các tỉnh, thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý I. Những điểm nóng bất động sản ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4.
Sang tháng 5, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến thị trường bất động sản thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trườngvẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Mức độ quan tâm đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh. Các tỉnh, thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Đây là những địa phương ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát dịch vừa qua.
Trong khi đó, theo dữ liệu của đơn vị này, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô từ "làn sóng bỏ phố về quê".
Làn sóng này phát triển suốt năm 2020, có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền sốt ở nhiều khu vực. Nhưng sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại.
Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven Hà Nội như tại Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai,… vẫn được nhiều người quan tâm tìm kiếm thông tin để mua, giá tiếp tục tăng nhẹ 2 - 7% so với 1 - 2 tháng trước.
Theo Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt quan tâm chung cư tăng, đất nền giảm trong dữ liệu tháng 5 cho thấy xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn sốt nóng của đất.
Điều này được lý giải bởi trong cơn sốt diễn ra vào quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm.
Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Những năm vừa qua, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô nổi lên như một xu hướng đầu tư mới. Mô hình này, trong đó có homestay, farmstay (mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng) được dự báo sẽ bùng nổ do nhu cầu du lịch của người dân ngày càng lớn.
Khảo sát trên các trang rao bán bất động sản, nhan nhản các thông tin rao bán đất tại các khu vực có lợi thế về du lịch. Đơn cử, nhiều lô đất có diện tích từ 500 đến hơn 1.000 m2 tại khu du lịch hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội) đang được rao bán với giá khoảng 2 - 11 triệu đồng/m2 tùy vị trí, được quảng cáo thích hợp xây dựng homestay, nhà nghỉ cuối tuần.
Tại Hòa Bình, đất rừng sản xuất cũng được rao bán làm homestay, farmstay. Đơn cử, lô một đất rừng sản xuất 50 năm diện tích 2,2 ha được quảng cáo có thể lên được đất ở lâu dài, vị trí hai mặt bám hồ lớn, cách đường 12B là 200 m thuộc huyện Kim Bôi có giá rao bán 1,5 tỷ đồng. Hay một lô đất nghỉ dưỡng rộng 1.000 m2 tại Lương Sơn đang được rao bán với giá 1,5 tỷ đồng, được quảng cáo phù hợp đầu tư, xây dựng nhà nghỉ cuối tuần,...
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CTCP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô từng chia sẻ, làn sóng mua second home đã diễn ra từ nhiều năm trước và vẫn luôn âm ỉ cho đến nay.
Theo ông Trung, đây là một "món ngon" cho những người đã có sự dư giả về tiền bạc và thời gian trong người. Tuy nhiên, nhà đầu tư đừng để "trúng gió" bởi khi thị trường nóng, hầu hết các nhà đầu tư dễ bị say nắng, sợ mất cơ hội sẽ lao vào mua.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, thị trường second home là thị trường đã len lỏi vào đầu các nhà đầu tư từ hàng chục năm nay, ai có chút tiền và thời gian dư giả đều mơ về một second home ở ngoại ô. Có nhiều cách để sở hữu second home như mua đất lẻ, mua homestay, mua căn hộ trong các dự án đồng bộ hiện đại,...
Song, theo quan sát thực tế, tính tự phát trong khai thác, tính đồng bộ trong kết nối và sự hỗ trợ của chính sách được xem là những thách thức lớn đối với mô hình kinh doanh này.
Hành lang pháp lý để phát triển và kinh doanh các dự án theo mô hình farmstay chưa được quy định rõ ràng. Trong khi đó, không ít các dự án có nguồn có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng sớm nghiên cứu, ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và kinh doanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương kiểm tra, rà soát, thống kê các vi phạm về đất đai đối với mô hình này.
Theo Bộ này, thời gian qua, một số trang quảng cáo và các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những lời mời gọi đầu tư bất động sản theo mô hình farmstay tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Bình, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Lâm Đồng, TP HCM, Long An,...
Do đó, Bộ này đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại mô hình này, xác định khu vực có vi phạm đất đai, nêu rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời,...
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít người đang có xu hướng mua đất vườn, đất đồi ở xa thành phố vừa để an cư, vừa để nghỉ ngơi, thư giãn. Trào lưu "bỏ phố về rừng" nóng trở lại là một điều dễ hiểu, kéo theo đó là nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Song, vị trí, pháp lý... vẫn là những yếu tố các nhà đầu tư nên quan tâm trước khi xuống tiền.