Do đó đã thu hút rất nhiều người có tiền nhàn rỗi hoặc vay mượn tiền để đầu tư vào căn hộ dịch vụ để cho thuê. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát khoảng 2 tháng trở lại đây, tình trạng ế ẩm kéo dài do việc hạn chế đi lại, khiến những người mua đầu tư căn hộ để cho thuê đứng trước thua lỗ nặng.
Khảo sát sơ bộ của Báo Người Lao Động với những người đang đầu tư căn hộ cho thuê, căn hộ dịch vụ ở TP HCM đều nói rất khó khăn, công suất cho thuê giảm 70%-80%, tiền thuê cũng giảm đến 40% - 50% so với vài tháng trước.
Ông Trần Kim Long (ngụ quận 2) cho biết đã vay tiền ngân hàng đầu tư vào các căn hộ dịch vụ, căn hộ cao cấp ở quận Bình Thạnh, quận 2 để cho thuê nhưng hiện nay, công suất cho thuê chỉ 10%-20% nên thu không đủ bù chi phí.
Với căn hộ chung cư, nhiều khách thuê cũng đề nghị giảm giá vì nhiều lý do, trong đó có dịch bệnh. "Tính ra mỗi ngày, tôi lỗ vài chục triệu đồng tiền lãi và gốc trả ngân hàng, nếu tình trạng này còn kéo dài, chắc chắn sẽ bị ngân hàng siết nợ", ông Long lo lắng.
Đáng chú ý, không chỉ có căn hộ cao cấp và dịch vụ cho thuê mới ế ẩm mà những người đầu tư phòng trọ cho thuê cũng chật vật vì sinh viên nghỉ học từ trước Tết đến nay vẫn chưa quay trở lại vì dịch.
Nhiều công nhân, người lao động mất việc bỏ về quê cũng khiến phòng trọ thất thu, ngay cả những người ở lại cũng xin khất hoặc giảm tiền thuê nhà vì quá khó khăn.
Một chuyên gia tài chính nhận định thời điểm này, nếu những người đầu tư căn hộ, nhà trọ cho thuê bằng vốn tự có dù thất thu cũng đỡ lo vì nhà cửa vẫn còn đó, giá trị tài sản vẫn tăng lên theo thời gian.
Chỉ cần cầm cự, sau khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn tình hình kinh doanh sẽ cải thiện. Còn những người đi vay ngân hàng sẽ chịu áp lực rất lớn vì lỗ chồng lỗ, nguy cơ mất cả chì lẫn chài rất cao.
"Dự báo thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục èo uột, vì vậy, những nhà đầu tư này nếu không có dòng tiền bù đắp nên cân nhắc bán căn hộ để không bị ngân hàng siết nợ", chuyên gia này khuyến nghị.