Đầu tư hơn 11.500 tỷ mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây

Để mở rộng 24/55 km cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây từ 4 lên 8 làn xe cần kinh phí hơn 11.500 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (BQL DA Mỹ Thuận) vừa có văn bản báo cáo đầu kỳ gửi Bộ Giao thông Vân tải kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng dường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (cao tốc HLD).

Cụ thể, dự án nhằm mở rộng khoảng 24 km của cao tốc HLD từ 4 làn xe lên 8 làn xe. Khi hoàn thành sẽ nâng tốc độ lưu thông phương tiện đoạn An Phú – Vành đai 2 lên 100 km/h, đoạn Vành đai 2 – Long Thành – Dầu Giây lên tốc độ 120 km/h. Riêng tốc độ qua cầu Long Thành sẽ đạt 100 km/h.

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025, kinh phí hơn 11.500 tỷ đồng.

Đầu tư hơn 11.500 tỷ mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây - Ảnh 1.

Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây dự kiến mở rộng 24 km từ 4 làn xe lên 8 làn xe. (Ảnh: Khải An).

Theo CTCP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - đơn vị tư vấn, đoạn An Phú - Vành đai 2 sẽ được nới thêm mỗi bên 4,7 m nâng chiều rộng lên 37 m; đoạn từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mỗi bên được mở rộng 7,5 m, nâng chiều rộng lên 41,5 m.

Trong tổng vốn đầu tư dự án, phần xây lắp tại dự án ước tính hơn 8.300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 405 tỷ đồng, còn lại gần 2.800 tỷ đồng gồm các chi phí dự phòng, tư vấn, quản lý dự án...

Ngoài ra, tại khu vực cầu Long Thành sẽ xây dựng một cầu khác bên cạnh rộng khoảng 20 m.

Theo BQL DA Mỹ Thuận, khi hoàn thành dự án sẽ tăng tính kết nối khu vực Đông Nam Bộ, kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cao tốc, quốc lộ trong khu vực, giải tỏa ách tắc giao thông trong khu vực.

Ngoài ra, BQL DA Mỹ Thuận cũng cho biết dự án này được sự quan tâm từ Bộ Giao thông và Du lịch Nhật Bản với mong muốn tiếp tục được hợp tác, hỗ trợ để thực hiện dự án này (bao gồm cả cách thức triển khai bằng nguồn vốn ODA và sau khi được mở rộng dự án được vận hành và bảo dưỡng theo hình thức chuyển nhượng quyền khai thác).

Cao tốc HLD đưa vào khi thác vào năm 2015, dài 55 km với tổng vốn đầu tư khoảng 20.600 tỷ đồng. Sau 6 năm hoạt động, tuyến cao tốc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết.

Đầu tư hơn 11.500 tỷ mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây - Ảnh 2.

Tình trạng ùn ứ giao thông thường gặp vào các ngày lễ Tết. (Ảnh: Khải An).

Theo số liệu năm 2019, lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến đoạn Long Phước – QL51 là 52.414 PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi ra xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).

Ngày lễ tết, cuối tuần lưu lượng đạt gần 57.000 PCU/ngày đêm trong khi với quy mô hiện tại đáp ứng được khoảng 44.000 PCU/ngày đêm.

Với quy mô hiện nay của tuyến cao tốc HLD không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai, nhất là khi CHKQT Long Thành đưa vào khai thác.

Do đó từ cuối năm 2019, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.