Đẩy nhanh triển khai xây dựng các cụm công nghiệp

Giai đoạn 2018-2020, thành phố Hà Nội thành lập 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích 760ha. Khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, đến tháng 10-2021, chưa có cụm công nghiệp nào đủ điều kiện triển khai khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật do nhiều nguyên nhân. Do đó, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang là nhiệm vụ cấp bách để đẩy nhanh triển khai các dự án.
Đẩy nhanh triển khai xây dựng các cụm công nghiệp - Ảnh 1.

Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp CN3 tại huyện Sóc Sơn.

Trong tổng số các cụm công nghiệp nêu trên, có 38 cụm đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, 1 cụm công nghiệp đang tổ chức thẩm định, 4 cụm công nghiệp đang lập quy hoạch chi tiết. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng ở 32/43 cụm công nghiệp. Hiện tại, mới dừng ở giai đoạn kiểm đếm, lập phương án đền bù, thành lập hội đồng, tổ công tác giải phóng mặt bằng, chi trả tiền cho các hộ dân…

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, trên địa bàn huyện có 8 cụm công nghiệp được phê duyệt với tổng diện tích 355ha. Dù có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đều chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân, một mặt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội. Mặt khác, một số dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…

Giai đoạn 2018-2020, huyện Phú Xuyên cũng được UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp làng nghề (Phú Túc, Phú Yên, Đại Thắng, Vân Từ). Tuy nhiên, việc triển khai các cụm công nghiệp đều khó khăn, có cụm công nghiệp chưa được UBND thành phố giao đất. Trong khi đó, một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù, phối hợp bàn giao mặt bằng theo quy định nên không thể khởi công xây dựng  hạ tầng kỹ thuật. Đơn cử, tại Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên, hiện còn 3 hộ gia đình chưa phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ông Đào Xuân Thắng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) mong muốn, thành phố sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh tập trung...

Qua khảo sát thực tế, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch nên chưa triển khai việc họp với nhân dân địa phương để thông báo, triển khai công tác liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp sử dụng đất trồng lúa trên 10ha phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đến nay, chỉ 2 cụm công nghiệp có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, quyết định giao đất, cho thuê đất. Ngoài ra, một số huyện vẫn chưa phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, do còn chờ văn bản chấp thuận chuyển đổi đất trồng lúa theo quy định.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, ngoài khó khăn trên, việc rà soát quy chủ, xác minh nguồn gốc đất, xác minh nguồn gốc chênh lệch về diện tích giữa đất hiện trạng với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân; xử lý vi phạm do một số hộ dân đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp từ lâu năm… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Được biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố chấp thuận giao đất theo giai đoạn đối với các cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng trên 70% diện tích, bảo đảm liền thửa, theo ô quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu vực. Cùng với đó, việc thi công xây dựng đối với phần diện tích giao đất giai đoạn 1 phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng của cụm công nghiệp.

Về phía các huyện có cụm công nghiệp được thành lập, cùng với xác định nguồn gốc đất, xử lý vi phạm lấn, chiếm đất nông nghiệp, cần tổ chức giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ giao đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND thành phố quyết định giao đất; phối hợp với chủ đầu tư dự án hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi đất trồng lúa theo quy định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.