ĐBQH: Không công khai cán bộ lãnh đạo có liên quan gian lận thi cử dễ khiến sự việc 'bị chìm xuồng'

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, nếu không công khai danh tính của cán bộ lãnh đạo liên quan gian lận thi cử sẽ dễ khiến sự việc 'bị chìm xuồng'.

Cần công khai danh tính lãnh đạo liên quan gian lận thi cử

Liên quan đến các vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình lên Quốc hội cho biết, cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm.

Đặc biệt, cần công khai các đối tượng có liên quan đến gian lận thi cử, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý.

ĐBQH: Không công khai cán bộ lãnh đạo có liên quan gian lận thi cử dễ khiến sự việc bị chìm xuồng - Ảnh 1.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc công khai các cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý vi phạm hoặc có liên quan đến vi phạm trong vụ gian lận điểm thi ở một số địa phương đã được báo chí thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều người dân và cử tri cần là một công bố chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đã có cả một danh sách được công khai trên báo chí, người dân ai cũng biết cả. Cơ quan có thẩm quyền nên công bố chính thức, rõ ràng, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của những người đó, chứ không phải chỉ công bố thông thường.

Một thí sinh quay cóp khi thi đã bị lập biên bản xử lý, tại sao cán bộ lãnh đạo, quản lý liên quan đến vi phạm lại không?

Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc công khai danh tính các cán bộ lãnh đạo, quản lý có liên quan đến vi phạm trong thi cử nói trên chính là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bởi đó là người phụ trách ngành, còn ở địa phương thì Chủ  tịch UBND tỉnh phải là người công khai.

Cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định, công bố chính thức và áp dụng trách nhiệm. Đầu tiên có thể chưa có quyết định thi hành kỷ luật thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền rằng những người đó có liên quan đến tiêu cực trong thi cử.

Hơn nữa, khi công khai như thế, có thể người dân sẽ có ý kiến đóng góp thêm, chẳng hạn như bổ sung thêm thành phần, hành vi, tài liệu... giúp làm trong sạch quá trình thi cử. Thực hiện được điều ấy thì rất tốt nên không việc gì phải giấu giếm. Nếu giấu giếm chắc chắn là có vấn đề.

"Thứ nhất, người ta có thể sử dụng quyền lực của mình để bao che, ém nhẹm và dần dần 'đánh bùn sang ao', làm cho mọi thứ chìm xuồng.

Thứ hai, cán bộ lãnh đạo địa phương đôi khi có những chỉ đạo ngầm không cho cấp dưới làm. Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền và điều này phải thực hiện ngay từ các địa phương", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói. 

Theo ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội), người dân muốn công khai để nhìn mặt biết tên từng người nhưng điều quan trọng là những cán bộ ấy có trực tiếp tham gia vào việc nâng điểm đó hay không? Nếu chẳng may họ không trực tiếp tác động cho con mình, cháu mình được sửa điểm thì sao? Đó là vấn đề cần suy nghĩ.

Ông Tuấn ủng hộ việc công khai, minh bạch nhưng phải làm sao để không ảnh hưởng tới những người không cố tình và không trực tiếp tác động để con cháu mình được nâng điểm.

"Quá trình điều tra vụ gian lận điểm thi tại một số địa phương vẫn đang diễn ra và tôi tin rằng các cơ quan tố tụng sẽ làm đúng trách nhiệm của mình. Người dân đang sốt ruột chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra", ông Tuấn chia sẻ.


chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.