Đề xuất đầu tư 120.700 tỷ đồng cho 5 tuyến cao tốc và dự án cầu Đại Ngãi

Với kế hoạch trung hạn đã được phân bổ hiện nay, các năm 2023, 2024, 2025 Bộ Giao thông vận tải phải giải ngân bình quân mỗi năm khoảng 70.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện phương án bố trí vốn các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, bố trí vốn xây dựng 6 dự án giao thông trọng điểm với nhu cầu sử dụng vốn 120.746 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ và kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải có 6 dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thông qua tại Kỳ họp tháng 12/2021 của Quốc hội Khóa XV với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho dự án hơn 47.100 tỷ đồng.

Về tiến độ dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào năm 2022; giải phóng mặt bằng đạt 90% vào cuối năm 2023 và 100% vào quý I năm 2024; lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2023, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.  

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, hiện đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 18.635 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí là 5.740 tỷ đồng.

Tiến độ dự kiến sẽ cập nhật để trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào kỳ họp tháng 5/2022; hoàn thành báo cáo tiền khả thi vào năm 2022; giải phóng mặt bằng đạt 90% vào cuối năm 2023 và 100% vào quý I năm 2024; lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2023, hoàn thành vào cuối năm 2025.

Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP.

Tuyến cao tốc dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí 1.864 tỷ đồng.

Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tháng 1/2022); hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2022; giải phóng mặt bằng đạt 90% vào cuối năm 2023 và 100% vào quý I/2024; lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2023, hoàn thành vào cuối năm 2025.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP và đã trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang thẩm định.

Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với mức đầu tư 49.745 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí là 14.247 tỷ đồng.

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, dự án sẽ được cập nhật báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào Kỳ họp tháng 5/2022; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào quý I/2023; giải phóng mặt bằng đạt 90% vào quý I/2024 và 100% vào quý III/2024.

Dự án sẽ được lựa chọn nhà thầu và khởi công đầu năm 2024, cơ bản hoàn thành một số đoạn cấp bách vào cuối năm 2025 do khu vực này có địa chất yếu (thời gian chờ lún cần tối thiểu 12 tháng) và vật liệu xây dựng khan hiếm.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thủ tục thẩm định nội bộ với tổng mức đầu tư 17.435 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí là hơn 5.200 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết dự kiến sẽ cập nhật báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào Kỳ họp tháng 5/2022; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào quý I/2023; giải phóng mặt bằng đạt 90% vào quý I/2024 và 100% vào quý III năm 2024; lựa chọn nhà thầu và khởi công đầu năm 2024, cơ bản hoàn thành các đoạn cấp bách vào cuối năm 2025 do khu vực này có địa hình đồi núi phức tạp, có một số vị trí hầm lớn.

Dự án cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ODA dự kiến vay JICA. Tuy nhiên, nhà tài trợ chưa cam kết bố trí vốn và mới chỉ chấp thuận hỗ trợ kỹ thuật để lập báo cáo nghiên cứu tiềm khả thi.

Dự kiến dự án sẽ chuyển sang phương thức đầu tư công với mức đầu tư 8.041 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã cân đối 2.412 tỷ đồng.

Về tiến độ, dự án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tháng 1/2022); hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2022; giải phóng mặt bằng đạt 90% vào cuối năm 2023 và 100% vào quý I/ 2024; lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2023, cơ bản hoàn thành cuối năm 2025.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng nhu cầu sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả 6 dự án do Bộ chủ trì thực hiện là 120.746 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là hơn 2.250 tỷ đồng, năm 2023 là 49.206 tỷ đồng, năm 2024 là hơn 69.289 tỷ đồng. Năm 2025 từ kế hoạch trung hạn đã phân bổ hơn 76.600 tỷ đồng.

 

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.