Đề xuất đầu tư xây tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Việc đầu tư xây dựng đường kết nối sẽ rút ngắn đáng kể thời gian hành trình nối liền thủ đô Hà Nội với tỉnh Hà Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế-thương mại và giảm tải cho Quốc lộ 2.
Đề xuất đầu tư xây tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh 1.

Một đoạn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. (Ảnh: Vietnam+).

Ban Quản lý dự án 2 vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chính thức gửi Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) về thông tin Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai và đề nghị hỗ trợ thực hiện chương trình, đồng thời giao đơn vị này là cơ quan làm việc với EDCF và các bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục phê duyệt đề xuất dự án.

Tại văn bản đề nghị này, Ban Quản lý dự án 2 cũng mong muốn Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sử dụng vay vốn EDCF và đề nghị Bộ Tài chính xem xét xác định các thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và cơ chế tài chính đề xuất của dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trao đổi với nhà tài trợ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án.

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án 2, Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai có điểm đầu tại nút giao IC14 km149+705 cao tốc Hà Nội - Lào Cai; điểm cuối tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang khoảng km235 + 700 - Quốc lộ 2, đi qua địa phận tỉnh Yên Bái và Hà Giang.

Tổng chiều dài tuyến thuộc dự án là 83km, trong đó sẽ xây dựng mới 16 cầu có tổng chiều dài 2,24 km với 2 cầu lớn kết cấu dầm liên tục vượt sông Hồng, sông Chảy; 2 hầm đường bộ có chiều dài 1,12 km.

Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng theo quy mô mặt cắt ngang tương ứng với quy mô mặt cắt ngang của đường ôtô cấp III đồng bằng, gồm 2 làn xe có bề rộng nền đường 12 m, với các yếu tố bình diện, trắc dọc theo tiêu chuẩn đường cao tốc nhằm tận dụng xây dựng đường cao tốc sau này.

Giai đoạn hoàn chỉnh (dự kiến sau năm 2040) sẽ xây dựng với quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h, chiều rộng nền đường từ 22 - 24,75m.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.702 tỷ đồng, tương đương khoảng 332,45 triệu USD, dự kiến vay ODA theo dạng “Khoản vay bao gồm hợp phần có điều kiện và không có điều kiện” của EDCF trị giá 263,42 triệu USD, tương đương khoảng 6.103 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng tương ứng; vốn đối ứng của Chính phủ là 1.599 tỷ đồng, tương đương khoảng 69,03 triệu USD cho thuế giá trị gia tăng (phần chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng), chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và dự phòng tương ứng.

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban Quản lý dự án 2 dự kiến trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 sẽ chuẩn bị, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; từ năm 2023 - 2027 sẽ ký Hiệp định vay vốn và thực hiện.

Hà Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, văn hóa và khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Hà Giang vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng này một phần là do hệ thống đường giao thông còn đi lại khó khăn.

Do đó, việc đầu tư xây dựng đường kết nối sẽ rút ngắn đáng kể thời gian hành trình nối liền thủ đô Hà Nội với tỉnh Hà Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế-thương mại và giảm tải cho Quốc lộ 2 đang có lưu lượng xe lưu thông cao, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông cho các tuyến quốc lộ có liên quan.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.