Thông tin từ báo Đầu tư, Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi, thay vào đó sử dụng 8.000 tỷ đồng từ vốn trong nước để đẩy nhanh việc xây cây cầu này (ngân sách nhà nước cấp phát 100% vốn ODA và vốn đối ứng sang hình thức đầu tư công sử dụng vốn trong nước).
Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi đã được phê duyệt ngày 28/10/2019, hình thức đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT đến nay phía Nhật Bản chưa có cam kết vốn vay chính thức cho dự án và dự kiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đến quý II/2025 mới khởi công dự án và đến năm 2028 mới hoàn thành dự án.
Do vậy Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi; chính thức đưa dự án này vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bộ đề xuất dự án cầu Đại Ngãi được áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quy mô đầu tư dự án sẽ giữ nguyên như phương án đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2019.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có mục tiêu xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến).
Điểm đầu giao với QL54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Tổng chiều dài thiết kế toàn tuyến là 15,2 km, trong đó phần cầu dài 3,42 km bao gồm cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56 km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86 km; phần đường (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) dài 11,78 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Bộ dự kiến trước mắt phân kỳ đầu tư thực hiện giai đoạn 1 đối với phần đường và các cầu trên tuyến theo quy mô hai làn xe. Riêng đối với phần cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) đầu tư hoàn chỉnh cho cả hai giai đoạn 4 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo hình thức đầu tư công trong nước là 8.039,711 tỷ đồng; giảm 958 triệu đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại quyết định ngày 28/10/2019.
Ngoài phần vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 – 2025, Bộ GTVT kiến nghị sử dụng khoảng 4.130 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ GTVT dự kiến thời gian chuẩn bị dự án là từ năm 2018 – 2022; khởi công cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hoàn thành năm 2026.
Nhu cầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là năm 2022 khoảng 320 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 2.850 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 1.150 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 926 tỷ đồng. Nhu cầu vốn ngân sách Nhà nước để chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.793,711 tỷ đồng.