Đề xuất giám sát chéo hạn chế những vụ việc như SCB

Theo ĐBQH tỉnh Cao Bằng, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần không có nhiều ý nghĩa trong việc hạn chế sở hữu chéo và chưa đủ để ngăn tái diễn vụ việc tương tự như SCB.

Góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 15/1, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, khống chế tỷ lệ sở hữu là chưa đủ để ngăn chặn những vụ việc tương tự như SCB xảy ra. 

Cụ thể, theo quy định hiện hành, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Con số này không vượt quá 15% đối với cổ đông là tổ chức, không vượt quá 20% đối với cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó.

Còn Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đề xuất giảm xuống còn không quá 10% đối với cổ đông là tổ chức, không quá 15% đối với cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng (Ảnh: quochoi.vn).

Tham gia thảo luận về đề xuất này, bà An nêu quan điểm: "Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn. 

Tôi cho rằng, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội.

Những chủ ngân hàng nắm giữ 15 – 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.

Sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn là rất cần thiết, song khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như ở ngân hàng SCB.

Lý do bởi bản chất của việc sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng rất phức tạp. Nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối.

Vì vậy, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu (hiệu quả còn khá mơ hồ); cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan. Cùng với đó, có hệ thống giám sát chéo, thiết lập khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái". 

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...