Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tán thành với việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Trong đó, đại biểu cho rằng vấn đề thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội. Báo cáo thường niên của Chính phủ cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.
“Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm”, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng sửa đổi Luật đất đai lần này cần giải quyết được vấn đề trên.
Theo đại biểu, cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng chỉ thu hồi những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng. Với các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Trần Nhật Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Điều 86 của Dự thảo Luật có quy định về trường hợp thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với phạm vi mở rộng hơn nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.
“Cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy; làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng”, theo đại biểu.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng cho rằng vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang có quy định rất rộng, cần cụ thể, rõ ràng hơn nữa.
Đại biểu cho rằng cần xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù; quy định rõ khu vực nào là đất quốc phòng, khu vực nào là đất kinh doanh; đồng thời làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi.
“Người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế… Cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, đại biểu đề nghị.