Trả lời trên Cổng TTĐT Quốc hội, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, một trong những nội dung luật sư quan tâm nhất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Nội dung này hiện đang được quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. "Trong quá trình nghiên cứu pháp luật về đất đai cũng như thực tiễn hành nghề luật sư bảo vệ quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất, chúng tôi thấy rằng ở rất nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lợi dụng vào Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 để thu hồi đất vô tội vạ sau đó giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền”.
Luật sư cho hay điều này đã gây bức xúc trong dư luận, bất bình đẳng trong việc sử dụng đất, gây khiếu kiện kéo dài. Nhiều nơi dẫn đến mất an ninh trật tự, suy giảm niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, nhiều địa phương đã vận dụng quy định hình thức đầu tư BT trong Luật Đầu tư để "đổi đất lấy hạ tầng". Theo đó, doanh nghiệp có thể đầu tư để làm một đoạn đường hoặc một công trình công cộng phúc lợi nào đó rồi bàn giao cho địa phương. Chính quyền địa phương không có nguồn kinh phí để chi trả nên đã thu hồi đất của nhiều hộ dân để giao cho doanh nghiệp.
Sau khi nhận đất, doanh nghiệp phân lô bán nền với giá rất cao, trong khi đó đơn giá bồi thường thì quá thấp dẫn đến bất bình đẳng, khiếu kiện kéo dài ở nhiều nơi.
“Việc không quy định rõ ràng thế nào là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng dẫn đến tình trạng nhiều địa phương lợi dụng quy định này để lấy đất của người dân, sau đó giao cho doanh nghiệp theo hình thức BT”, luật sư cho biết.
Về vấn đề giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai quy định giá đất nhà nước đưa ra để bồi thường phải sát với giá thị trường. Tuy nhiên, theo luật sư, trên thực tế không có đủ cơ chế để đảm bảo việc giá đất nhà nước đưa ra bằng với giá thị trường. Điều này dẫn đến người có đất thu hồi bị thiệt thòi, không đồng ý bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và thiệt hại đến tài sản của người sử dụng đất.
“Nghị quyết 18-MQ/TW quy định quyền lợi của người sử dụng đất sau khi bị thu hồi đất phải được đảm bảo. Theo đó, bỏ khung giá đất để địa phương lập giá đất phù hợp với giá thị trường, điều kiện đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn điều kiện sống trước đây. Nội dung quy định, định hướng này trong Nghị quyết 18-NQ/TW cần phải được thể chế hóa thành những điều luật cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ áp dụng và đảm bảo tính khả thi trên thực tế”, Luật sư nhận định
Theo vị Tiến sĩ luật, nếu thực hiện được điều này thì vấn đề khiếu kiện hành chính về đất đai khi nhà nước thu hồi sẽ giảm đi rất nhiều, đảm bảo công bằng xã hội và giảm bớt những hệ lụy, tiêu cực xã hội khi thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Khi giá đất mà nhà nước thu hồi bằng với giá thị trường, quyền lợi và điều kiện tái định cư tốt hơn chỗ ở hiện tại thì người dân sẽ sẵn sàng bàn giao đất, phối hợp tối đa với chính quyền để bàn giao mặt bằng. Các dự án sử dụng đất sẽ được đưa vào triển khai nhanh chóng bởi khi đó đã hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.