Đề xuất thiết kế đường cao tốc với 3 cấp tốc độ

Đường cao tốc dự kiến được thiết kế 80 km/h, 100 km/h và 120 km/h, riêng vùng núi, địa bàn khó khăn có thể 60 km/h để giảm kinh phí đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Đây là lần đầu tiên Bộ xây dựng quy chuẩn bắt buộc tuân thủ, thay thế cho các tiêu chuẩn hiện hành. Ngoài ba cấp thiết kế nêu trên, Bộ cũng đề xuất nghiên cứu thiết kế cấp đặc biệt trên 120 km/h.

Cấp tối thiểu 80 km/h chỉ áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn như vùng núi, đồi cao hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư. Khi lựa chọn cấp đường cao tốc phải căn cứ địa hình, quy hoạch và được các cấp có thẩm quyền duyệt trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, xã hội.

Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến cho phép có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h. Trên tuyến phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp. Các vị trí chuyển tốc độ phải được nghiên cứu đảm bảo phù hợp địa hình, dễ nhận biết và thuận tiện cho người lái xe.

Trên một tuyến cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau (kể cả trường hợp có đoạn xét đến phân kỳ đầu tư), song phải đảm bảo tính đồng nhất theo chiều dài từng đoạn.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (giai đoạn 1) qua Thanh Hoá, Nghệ An có dải dừng khẩn cấp. (Ảnh: Lê Hoàng).

Theo Ban soạn thảo, tốc độ thiết kế của đường được dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật. Tốc độ này có thể khác với tốc độ chạy xe cho phép của cơ quan quản lý vì tốc độ chạy xe được xác định tùy thuộc tình trạng thực tế của đường về thời tiết, độ nhám mặt đường, lưu lượng phương tiện...

Dự thảo thông tư cũng quy định đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu có 2 làn xe mỗi chiều. Trên đường phải bố trí dải phân cách giữa để tách riêng hai chiều xe chạy trên đường, bố trí dải an toàn hai bên lề để dừng xe khi cần thiết. Các cầu trên đường phải bố trí đủ các yếu tố mặt cắt ngang như với đoạn đường liền kề, bề rộng cầu không được hẹp hơn bề rộng đường liền kề.

Dự thảo thông tư quy định các hầm có chiều dài dưới 1.000 m không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp. Hầm dài từ 1.000 m trở lên phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30 m, cách nhau tối đa 500 m, bề rộng làn dừng xe tùy thuộc theo từng cấp đường cao tốc.

Dọc cao tốc phải bố trí các cơ sở dịch vụ cho khách hàng. Từ 15 km đến 25 km bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài nền đường, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tự bảo dưỡng xe. Từ 50 km đến 60 km cần bố trí một trạm dịch vụ kỹ thuật cung cấp xăng dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn. Từ 120 đến 200 km bố trí trạm dừng nghỉ lớn có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng dầu, sạc điện, nhà ăn, khách sạn, văn phòng du lịch, chỉ dẫn trung chuyển...

Góp ý dự thảo thông tư, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cấp thiết kế cao hơn cấp 120 km/h do hiện nay ngành ôtô ở Việt Nam đã phát triển, tương đồng với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời quy định rõ hơn về vận tốc thiết kế và vận tốc khai thác.

Về phân kỳ đầu tư, các chuyên gia đề nghị cao tốc xây mới được phân kỳ đầu tư khi quy hoạch lớn hơn cấp tối thiểu về tốc độ thiết kế, quy mô mặt cắt ngang... Còn trường hợp quy hoạch là cấp tối thiểu thì dự án không phân kỳ đầu tư.

Hiện cả nước có gần 1.900 km cao tốc. Theo kế hoạch, ngành giao thông sẽ hoàn thành 3.000 km đến năm 2025 và cơ bản hoàn thành 5.000 km đến năm 2030. Tháng 9/2023, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cao tốc, các nút giao kết nối. Đây cũng là căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc bảo đảm công khai, hiệu quả.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.