Đến trường trên canô biên phòng

5h30 sáng, tốp học sinh cấp I và cấp II đã tập trung đông đủ tại bến phà Tam Hòa (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) chờ đợi chuyến đò đặc biệt của đồn biên phòng Tam Thanh đưa đến lớp.
den truong tren cano bien phong
Chiến sĩ đồn biên phòng Tam Thanh cẩn thận gài áo phao trước khi đưa các em học sinh sang sông - Ảnh: TẤN LỰC

Suốt tuần nay, chiếc phà duy nhất của xã gặp sự cố phải đưa đi sửa chữa cũng là những ngày canô biên phòng lãnh nhiệm vụ đưa các em sang sông.

Không để các em trễ buổi học

Thoáng thấy nhóm học sinh đứng chờ bên kia sông, chiếc canô nhỏ từ từ tiến lại ghé sát bờ. Một chiến sĩ nhảy xuống, tay cầm áo phao khoác lên người từng em một rồi cài khuy chắc chắn.

Mặc xong áo phao, tốp 6 em đầu tiên được một người dìu, một người đỡ lên canô yên vị rồi canô xé nước băng nhanh qua bờ kia sông cách chừng 200m. Chiếc canô nhỏ qua lại như con thoi gần chục vòng mới đưa hết nhóm học sinh sang sông kịp giờ đến trường buổi sáng.

Đại úy Huỳnh Minh Tiến bảo rằng mỗi ngày đưa đón học trò bốn bận đi về gần 40 lượt, tuy vất vả nhưng mà vui. Anh cầm lái canô, luôn miệng trò chuyện cùng lũ học trò nên đứa nào cũng quý mến anh.

"Việc này không cực nhọc gì lắm nhưng phải đi sớm thiệt sớm, trưa thiệt trưa mới không trễ giờ các em. Trên nắng, dưới nước, mấy ngày đầu cảm giác có hơi oải nhưng nay đã quen rồi" - đại úy Tiến nói.

Xã Tam Hòa như hòn cù lao lớn được đôi dòng sông Trường Giang bao quanh tách biệt với bên ngoài. Nhờ nghề biển phát triển, nuôi trồng tôm cá, thủy sản thuận lợi nên bộ mặt kinh tế làng xã phát đạt.

Dọc đường làng, nhiều gia đình có nhà lầu, sắm xe hơi, tài sản bạc tỉ. Duy chỉ có con đường đi lại là khó khăn, cách trở đò giang.

Những ngày trời nổi dông bão, gió nghịch hay hôm nào chiếc phà giở chứng thì con đường đến trường của nhiều học sinh nơi này trở nên thật xa xôi.

Là chỉ huy tổ công tác cắm chốt trên bến phà, thiếu tá Trương Đức Việt, chỉ huy phó đồn biên phòng Tam Thanh, bảo rằng quyết tâm của các anh là không để các em lỡ bước đến trường dù chỉ một buổi.

Những chuyến đò canô tình nghĩa

Em Đỗ Hồng Nguyễn (12 tuổi), học sinh lớp 6/2 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cho biết hôm nay em thi môn cuối cùng của học kỳ II, làm bài được nên em khá vui vẻ.

"Tuần này chúng em thi học kỳ, nếu không có canô của các chú bộ đội biên phòng thì không biết phải làm sao. Chúng em rất cảm động khi được các chú tận tình đón rước" - Nguyễn nói.

Chăm chỉ, đúng giờ và học giỏi, em Nguyễn Mai Trâm (10 tuổi), học sinh lớp 4A1 Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, là niềm ngưỡng mộ với nhiều bạn học. Trâm bảo rằng những chuyến đò của các chiến sĩ biên phòng không lúc nào đến trễ. Vì thế Trâm và các bạn rất mến và phục các anh, các chú biên phòng.

Trâm bảo rằng mơ ước của em là quê hương có một chiếc cầu nối nhịp để con đường đến trường của em và bạn bè bớt phần vất vả.

Thầy Huỳnh Nhật Tùy, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, nói rằng mỗi ngày trường có gần 50 em phải sang sông đến lớp. Mỗi năm chiếc phà của xã tới kỳ nâng cấp, sửa chữa là các em lại đi nhờ đến trường trên những chiếc ghe đánh cá.

Không áo phao, không trang bị, tốn tiền và giờ giấc thì luôn thay đổi nên các em thường xuyên trễ giờ. Không chỉ học sinh học hành vất vả mà giáo viên đến trường đi dạy cũng lắm nỗi khó khăn.

Chính vì vậy các chuyến đò bằng canô của mấy chú biên phòng đã giúp đỡ thầy trò của xã Tam Hòa rất nhiều trong việc theo đuổi khát vọng chữ nghĩa.

den truong tren cano bien phong Chuyện cổ tích về tình bạn đẹp đầy cảm động của học trò xứ Thanh

Câu chuyện tình bạn của Hiếu và Minh thật cảm động. Câu chuyện ấy giản dị, không màu mè nhưng đủ để làm ấm lại ...

den truong tren cano bien phong Xót xa cảnh băng rừng già đến trường của những đứa trẻ Làng Sáng

Trên đầu nước trút xuống, dưới đất hơi lạnh bốc lên, thêm rết, rắn hổ mang rình rập... những đứa trẻ Làng Sáng ngày ngày ...

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.