Tập đoàn Đèo Cả mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư hai cao tốc là TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.
Hiện tại, có hai tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kết nối TP HCM với các tỉnh miền Tây là TP HCM - Trung Lương dài gần 40 km và tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km.
Đèo Cả đã nêu ra một số hạn chế của hai tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận như quy mô đầu tư giai đoạn 1 hiện đã quá tải, không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng và việc chưa đầu tư xây dựng đủ quy mô 8 làn xe đang làm lãng phí quỹ đất...
Doanh nghiệp này cho biết, nhận thấy những hạn chế trên, Tập đoàn đã làm việc với UBND các tỉnh Tiền Giang, TP HCM, Long An và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Ngân hàng Vietinbank,... đề xuất triển khai giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng theo quy mô 8 làn xe.
Đối với cao tốc TP HCM - Trung Lương, Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai dự án theo hình thức PPP, cùng với đó là tỉnh Long An sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, hoàn thành dự án trong năm 2025.
Mức đầu tư dự kiến của dự án này là 5.355 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 2.650 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu khoảng 406 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 2.300 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ được trả chậm trong vòng 10 năm, nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và các nguồn vốn khác đề thực hiện.
Đối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT; cùng làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn giai đoạn 1 tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2025 để đảm bảo khả thi phương án tài chính tổng thể dự án.
Tỉnh cũng sẽ thống nhất với doanh nghiệp dự án bổ sung trạm dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật cứu hộ cứu nạn vào danh mục cơ sở vật chất của dự án để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả.
Dự kiến mức đầu tư là 9.504 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 4.700 tỷ, 720 tỷ là vốn chủ sở hữu, 4.084 tỷ đồng còn lại sẽ huy động từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề xuất với với Chính phủ về việc xin tài trợ lập đề xuất hai dự án, bao gồm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện dự án.